Ngày 25-7, đoàn công tác của Bộ Công Thương, Bộ TN&MT làm việc với lãnh đạo tỉnh Đắk Nông về các kiến nghị, đề xuất gỡ vướng liên quan đến quy hoạch bô-xít ở tỉnh này.
Đoàn công tác của Bộ Công Thương, Bộ TN&MT làm việc với lãnh đạo tỉnh Đắk Nông. Ảnh: TNT |
Quy hoạch mới vẫn còn vướng
Theo UBND tỉnh Đắk Nông, ngày 18-7, Thủ tướng Chính phủ ký quyết dịnh số 866 phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, tổng diện tích quy hoạch các dự án khai thác khoáng sản đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Đắk Nông là 92.280 ha.
Trong khi đó, theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phân bổ chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, thì tổng chỉ tiêu đất phi nông nghiệp quy hoạch đến năm 2030 tỉnh Đắk Nông là 62.782 ha.
Sau khi trừ chỉ tiêu phân bổ cho đất quốc phòng, đất an ninh, đất phát triển hạ tầng cấp quốc gia chỉ còn 23.907 ha cho các loại đất khác.
Nhà máy Alumin Nhân Cơ. Ảnh: LP |
Đại diện UBND tỉnh Đắk Nông cho rằng quyết định số 866 dù có nhiều nội dung mang tính chất tháo gỡ khó khăn nhưng vẫn còn vướng mắc.
Quyết định 866 chưa quy định rõ thu hồi và bảo vệ bô-xít như thế nào. Thực tế, việc bảo vệ bô-xít tại các công trình này gặp nhiều khó khăn do phải bỏ kinh phí vận chuyển đất chứa bô-xít, kinh phí xây dựng bãi thải chứa quặng, kinh phí các công trình hạn chế quặng rửa trôi, thất thoát, kinh phí cho cán bộ quản lý, trông coi bảo vệ quặng...
Trong khi đó, theo Luật Quy hoạch, thì việc lập, thẩm định, phê duyệt danh mục dự án đầu tư phải phù hợp với quy hoạch đã được cơ quan có thẩm quyền quyết định hoặc phê duyệt.
"Từ thực tế đó cho thấy vừa cho thực hiện dự án nhưng phải đảm bảo phù hợp với quy hoạch thăm dò, khai thác bô-xít là điều không thể. Quy hoạch chưa làm rõ thế nào là khu vực có khoáng sản; phạm vi phân bố khoáng sản. Điều này dễ gây lãng phí cơ hội đầu tư cho các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội khác”- đại diện UBND tỉnh Đắk Nông nói.
Ngoài ra, quyết định số 866 chưa làm rõ những loại khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường khác (như đá bazan, đá granit, cát, đất làm vật liệu san lấp) nằm ở khu vực phân bố dưới tầng bô-xít có được xét không nằm trong phạm vi, ranh giới quy hoạch thăm dò, khai thác bô-xít hay không. Nếu không được quy hoạch rõ ràng, thì 5/8 huyện ở Đắk Nông sẽ không có mỏ để phục vụ cho hoạt động xây dựng cơ bản.
Các dự án khó giải ngân vì gặp quy hoạch bô-xít
Vẫn theo đại diện UBND tỉnh Đắk Nông, có 1.062 dự án ở địa phương có nhu cầu sử dụng đất phục vụ cho các công trình. Tuy nhiên, có đến 6.692 ha đất xây dựng lại chồng lấn với quy hoạch bô-xít.
Mặt khác, hiện nay hàng loạt dự án trọng điểm ở Đắk Nông phải dừng làm các thủ tục đề nghị cấp phép hoặc cấp bản xác nhận đăng ký khu vực, khối lượng, công suất khai thác đất làm vật liệu san lấp… vì liên quan đến khu vực quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến bô-xít. Đây là nguyên nhân dẫn đến khó khăn trong giải ngân vốn đầu tư công.
"Nếu không giải quyết được khó khăn này, nguồn ngân sách đầu tư cho địa phương buộc phải trả về cho trung ương"- ông Lê Trọng Yên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông nói.
Còn theo ông Hồ Văn Mười, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, để khai thác hiệu quả, hết trữ lượng, tài nguyên bô-xít cần phải có lộ trình, thời gian rất dài, có thể lên đến hàng chục và trăm năm sau.
Khi quy hoạch cũng như việc chậm khai thác bô-xít theo chủ trương, lộ trình đề ra, sẽ tác động tiêu cực, ảnh hưởng lớn việc hoạch định, xây dựng kế hoạch đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đắk Nông.
Ông Mười đề nghị sớm tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến quy hoạch bô-xít, để địa phương kịp thời, đẩy nhanh tiến độ, giải ngân vốn đầu tư các công trình, dự án cũng như hoàn thành các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đề ra.
Đại diện Bộ TN&MT, Bộ Công Thương cho biết sẽ báo cáo lãnh đạo hai bộ về những khó khăn, vướng mắc về quy hoạch khoáng sản tại Đắk Nông.
Quy hoạch bô-xít chiếm 1/3 diện tích tỉnh Đắk Nông
Theo tài liệu, quy hoạch bô xít trên địa bàn tỉnh Đắk Nông rất đặc thù, chiếm khoảng 1/3 diện tích toàn tỉnh, phân bố trên địa bàn năm huyện và TP Gia Nghĩa.
Đến nay, chỉ có 1/9 mỏ đã được thăm dò, phê duyệt trữ lượng được cấp phép khai thác. Hàng năm chỉ khai thác khoảng 100 ha để cung cấp quặng bô-xít cho Nhà máy Alumin Nhân Cơ có công suất 650 ngàn tấn/năm.
Nếu chỉ cung cấp cho nhà máy này thì phải gần 400 năm mới khai thác, chế biến hết trữ lượng, tài nguyên bô-xít trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.