Theo thông tin từ Tổ Điều hành thị trường trong nước (Bộ Công Thương), hiện nay công tác dự trữ hàng hoá chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán đang được các địa phương gấp rút triển khai.
Dự báo, năm nay kinh tế bắt đầu phục hồi sau dịch nên người dân có xu hướng mạnh tay chi tiêu cho mua sắm tết, nên ước nhu cầu sẽ tăng khoảng 4-7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Để đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân, ước tính dự trữ hàng hoá tăng 7-10% so với cùng kỳ năm trước, trong đó tập trung vào một số hàng thiết yếu như gạo, thực phẩm tươi sống/chế biến, dầu ăn, đường… Về giá, do giá nguyên liệu đầu vào tăng cao nên giá các mặt hàng thiết yếu năm nay tăng nhẹ so với năm trước.
Ông Phạm Văn Duy, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), cho biết kế hoạch đáp ứng lương thực thực phẩm cho người tiêu dùng trong dịp Tết cơ bản là đảm bảo.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì hội nghị công tác chuẩn bị Tết và bình ổn thị trường dịp cuối năm 2022 và Tết Nguyên đán Quý Mão. |
Đơn cử như lúa gạo đáp ứng đủ nhu cầu trong nước và xuất khẩu, chế biến; rau củ quả đạt 19 triệu tấn, tăng 670.000 tấn so với cùng kỳ năm 2021, thịt đạt 6,98 triệu tấn, tăng 4% so với năm 2021; sữa tươi 1,16 triệu tấn; trứng 18,4 tỉ quả…
Ngoài thực phẩm, xăng dầu cũng là mặt hàng quan trọng mà các bộ, ngành, địa phương phải nỗ lực đảm bảo cung ứng trong dịp Tết.
Ông Trịnh Quang Khanh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, đánh giá thời gian gần đây thị trường xăng dầu đã cơ bản trở lại bình thường. Nhà máy lọc dầu Bình Sơn tăng công suất 10-20%, về cơ bản đã đáp ứng hợp đồng đã ký với thương nhân đầu mối.
Đối với nguồn nhập khẩu, hiện nay, các hội viên đã đáp ứng được nhu cầu phân giao của Bộ Công Thương. Công ty Nam Sông Hậu đã kết nối với hải quan để tái hoạt động kho Trà Nóc và Cái mép, đảm bảo cung ứng xăng dầu cho miền Tây Nam bộ. Nhìn chung, nguồn hàng đáp ứng đủ nhu cầu cho trước, trong và sau tết.
“Vào dịp Tết Nguyên đán, các doanh nghiệp xăng dầu cam kết sẽ tổ chức bán hàng bình thường. Các cửa hàng đều có phương án đảm bảo nguồn và phòng cháy chữa cháy. Dự báo nhu cầu tết sẽ tăng nhưng sẽ đảm bảo đủ xăng dầu cho người dân đi chơi Tết, du xuân” - ông Khanh cho hay.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, Tổ trưởng Tổ Điều hành thị trường trong nước cũng chỉ ra một số khó khăn cần đánh giá và có kế hoạch ứng phó cho thời gian tới.
Theo ông Hải, thị trường hàng hóa được đánh giá vẫn sẽ phải đối diện với tình trạng khó khăn khi từ ngày 7-12, các nước EU đã áp giá trần với xăng dầu của Nga. Điều này có thể dẫn đến Nga tìm nguồn khách hàng khác và phía EU đi tìm nguồn cung khác, khiến thị trường sẽ có những biến động khó lường. Trong khi với lượng tiêu thụ hiện nay, Việt Nam không phải là đối tượng ưu tiên cho nhập khẩu xăng dầu.
Bên cạnh đó, giá thịt heo xuống thấp có thể dẫn đến nguy cơ người dân không tái đàn, có thể ảnh hưởng tới nguồn cung và giá cả.
Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã đưa ra một số giải pháp, công việc triển khai để bảo đảm cân đối cung, cầu các mặt hàng thiết yếu, bình ổn thị trường hàng hóa dịp cuối năm 2022 và dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023, đồng thời làm tiền đề để thực hiện các mục tiêu kinh tế vĩ mô năm 2023 của Chính phủ.