Trong những ngày vừa qua, tình trạng cửa hàng xăng dầu thông báo hết hàng, bán nhỏ giọt tiếp tục xảy ra ở nhiều địa phương trên cả nước. Điều này khiến người dân gặp khó khăn trong việc đi lại cũng như phục vụ sản xuất, kinh doanh, nhất là khi miền Tây đang vào giai đoạn thu hoạch lúa vụ hè thu.
Nông dân có nguy cơ thiệt hại nặng
Chiều 5-9, Bộ NN&PTNT tổ chức họp báo thường kỳ. Trả lời câu hỏi của PV báo Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt, cho biết ở một số địa phương khi đến vụ thu hoạch có tình trạng xăng dầu thiếu hoặc không có để cung cấp. Điều này làm ảnh hưởng đến việc vận hành máy móc, thu hoạch, vận chuyển... lúa gạo nói riêng và nông sản nói chung.
|
Chiều 5-9, giá xăng giảm nhẹ trong khi giá dầu tăng sốc gần 1.500 đồng/lít. |
Mặt hàng xăng dầu được coi là huyết mạch của nền kinh tế. Vấn đề điều tiết, quản lý thị trường này là của Bộ Công Thương. “Hiện tình trạng thiếu xăng dầu chỉ mới xảy ra cục bộ ở một số địa phương. Nhưng nếu tình hình này không được cải thiện, nguồn cung không đảm bảo thì có thể xảy ra trên một số địa phương nữa” - ông Cường cảnh báo.
Cục trưởng Cục Trồng trọt đề nghị Bộ Công Thương chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường và các đơn vị liên quan vào cuộc làm rõ việc thiếu xăng dầu này có phải là do tích trữ, găm hàng hay đúng là thiếu hụt nguồn hàng. Ông Cường cũng đề nghị Bộ Công Thương có biện pháp quản lý, điều hành, phối hợp nhịp nhàng hơn.
Hiện lúa hè thu đang chuẩn bị vào vụ thu hoạch, vì vậy Cục trưởng Cục Trồng trọt đề nghị các địa phương rà soát đánh giá diện tích lúa chuẩn bị thu hoạch, khả năng đáp ứng xăng dầu khu vực đó như thế nào. Từ đó có chính sách điều tiết một cách phù hợp để đảm bảo có đủ năng lượng xăng dầu, phục vụ cho thu hoạch lúa kịp thời vụ; tránh hiện tượng lúa chín ngoài đồng không thu hoạch được, thu hoạch muộn gây thất thoát trong sản xuất lúa gạo.
Lãnh đạo Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh An Giang cũng vừa cho biết tình hình cung ứng xăng dầu trên địa bàn thiếu ổn định, ảnh hưởng đến sinh hoạt, sản xuất của người dân.
Không chỉ tại An Giang mà tình trạng thiếu xăng dầu cục bộ còn xảy ra tại nhiều tỉnh, thành khác như Hà Nội, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Cà Mau…
Giá xăng giảm, giá dầu tăng mạnh
Chiều 5-9, liên bộ Tài chính - Công Thương thực hiện điều hành giá xăng dầu theo chu kỳ. Cụ thể, giá xăng E5 giảm 370 đồng/lít, còn 23.350 đồng/lít; giá xăng A95 giảm 430 đồng, còn 24.230 đồng/lít.
Giá dầu diesel tăng mạnh 1.430 đồng/lít, lên mức 25.180 đồng/lít; dầu hỏa tăng 1.390 đồng, lên 25.440 đồng/lít; dầu mazut giảm 470 đồng, giá bán là 16.079 đồng/kg.
Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho rằng việc kéo dài thời gian điều chỉnh giá sẽ khiến giá bán lẻ xăng dầu trong nước có độ trễ nhất định, không phản ánh đúng xu hướng tăng của giá xăng thế giới, gây khó khăn cho các thương nhân trong đảm bảo nguồn cung. Việc lùi thời gian điều chỉnh sẽ tạo tâm lý găm hàng, đầu cơ gây bất ổn cho thị trường.
Các DN gửi kiến nghị khẩn
Trước tình trạng nguồn cung xăng dầu bất ổn, các doanh nghiệp (DN), hiệp hội và nhiều tỉnh, thành đã gửi kiến nghị khẩn lên các cơ quan chức năng.
Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) vừa có văn bản khẩn gửi các bộ, ngành nêu rõ: Các yếu tố cấu thành trong giá cơ sở như chi phí đưa xăng dầu về đến cảng (premium) và chi phí vận tải tại nguồn trong nước chưa được tính đủ từ chu kỳ điều hành giá ngày 11-7 đến nay đã tạo ra khó khăn rất lớn về nguồn lực tài chính của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu trong việc chia sẻ thù lao/chiết khấu cho các thương nhân nhượng quyền bán lẻ...
Bên cạnh đó, theo quy định tại Nghị định 95, do thời điểm điều hành giá trùng vào lễ 2-9 nên thời gian điều hành giá phải lùi lại đến ngày làm việc đầu tiên tiếp theo.
“Sự cộng hưởng của các yếu tố trên đã tác động rất lớn đến thị trường xăng dầu trong nước. Thậm chí đã xảy ra hiện tượng nhiều cửa hàng dừng bán hàng, dẫn tới nhu cầu dồn về Petrolimex và sản lượng tiêu thụ của tập đoàn tăng mạnh trên các kênh bán hàng, nhất là kênh bán lẻ trực tiếp” - Petrolimex nhấn mạnh.
Trước tình hình trên, để bình ổn thị trường xăng dầu, Petrolimex khẩn thiết kiến nghị các cơ quan quản lý nhà nước tăng cường kiểm tra để đảm bảo tất cả thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối đều phải có trách nhiệm đảm bảo nguồn hàng đáp ứng đầy đủ cho nhu cầu bán hàng của hệ thống phân phối của mình; kịp thời điều chỉnh các yếu tố cấu thành trong giá cơ sở và chi phí vận tải vào chu kỳ điều hành giá để giảm bớt khó khăn cho các thương nhân đầu mối.
Tổ điều hành thị trường trong nước cũng vừa đề nghị Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Hải quan tạo điều kiện cho các DN đầu mối được nhập khẩu xăng dầu thuận lợi để kịp thời cung ứng xăng dầu cho thị trường; đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại tạo điều kiện nâng hạn mức tín dụng cho các DN đầu mối nhập khẩu xăng dầu. Mục đích để bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường.
Đồng thời, sớm rà soát và gửi thông báo cho Bộ Công Thương về việc áp dụng mức chi phí đưa xăng dầu trong nước về đến cảng và premium trong nước theo mức phù hợp với thực tế phát sinh thời gian vừa qua để bảo đảm tính đúng, tính đủ trong giá cơ sở xăng dầu theo quy định hiện hành. Đây cũng là vấn đề đã được Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam đề xuất rất nhiều lần nhưng chưa được giải quyết.
Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước thuộc Bộ Công Thương, nhấn mạnh: “Tổ Điều hành thị trường trong nước rất mong Bộ Tài chính sẽ xử lý sớm vấn đề này vì nếu giải quyết được khó khăn này sẽ gỡ khó được rất nhiều cho DN kinh doanh xăng dầu”.