Dân chưa mặn mà chụp ảnh vi phạm giao thông

Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội vừa cho biết đang nghiên cứu biện pháp xử lý taxi vi phạm trật tự giao thông qua hình ảnh do người dân cung cấp. Thật ra TP.HCM đã thực hiện điều này từ lâu, áp dụng cho tất cả loại xe nhưng càng ngày người dân càng ít tham gia.

Đã thực hiện từ năm 2004

Năm 2004, UBND TP.HCM ban hành Quyết định 210 quy định thủ tục xử phạt qua hình ảnh một số hành vi vi phạm giao thông. Nguồn của hình ảnh bao gồm băng hình, đĩa hình ghi được bằng camera của Trung tâm Điều khiển đèn tín hiệu giao thông và hình ảnh do lực lượng công an TP tác nghiệp.

Đáng chú ý là cùng thời điểm, ông Phạm Văn Thịnh, khi đó là trưởng phòng CSGT đường bộ - đường sắt, khẳng định: “CSGT sẵn sàng tiếp nhận và sử dụng hình ảnh do người dân, nhà báo cung cấp để làm căn cứ xử phạt vi phạm giao thông”. Có hai luồng quan điểm về vấn đề này. Phía phản đối cho rằng ý kiến trên trái với Quyết định 210, đồng thời không phù hợp Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính (chỉ có cán bộ, công chức, viên chức mới có quyền và nghĩa vụ ghi nhận các hành vi vi phạm hành chính để xử lý theo pháp lệnh này). Tuy nhiên, phía ủng hộ lại viện dẫn khoản 3 Điều 4 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính, trong đó có quy định: Công dân có quyền và nghĩa vụ phát hiện, tố cáo mọi hành vi vi phạm hành chính. Như vậy, việc người dân cung cấp hình ảnh của người vi phạm giao thông với cơ quan chức năng là đúng.

Dân chưa mặn mà chụp ảnh vi phạm giao thông ảnh 1

Hiện TP vẫn duy trì việc phạt nguội nhưng hình ảnh vi phạm chủ yếu do lực lượng chức năng tự thu thập. Ảnh: L.ĐỨC

Về vấn đề này, Công an TP cho rằng Quyết định 210 đã nêu rõ: Người thu thập được hình ảnh là người chứng kiến vi phạm hành chính, trình bày rõ thời gian, địa điểm thu được hình ảnh, loại hình ảnh. Do đó, các hình ảnh do người dân cung cấp đáp ứng những yêu cầu trên đều sẽ là căn cứ để xử phạt. Quy trình tiếp theo là từ hình ảnh do người dân cung cấp, Phòng CSGT đường bộ sẽ mời người vi phạm, chủ phương tiện đến để xem các chứng cứ, sau đó lập biên bản và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Cán bộ xử lý không được tiết lộ danh tính người đã cung cấp hình ảnh.

Cần cơ chế khuyến khích người dân

Để thực hiện quy trình trên, Phòng CSGT đã mở các cuộc tuyên truyền, hướng dẫn người dân thu thập những hình ảnh thật trung thực, khách quan. Hình ảnh thu được phải rõ nét, thể hiện đầy đủ hành vi vi phạm của người điều khiển phương tiện (xác định rõ địa điểm, thời gian vi phạm, biển số của phương tiện). Đặc biệt, không được sử dụng hình ảnh đã chụp quá một năm, hết thời hiệu xử phạt…

Những ngày đầu thực hiện phạt nguội, lực lượng CSGT đã xử lý được nhiều hành vi vi phạm từ hình ảnh do người dân cung cấp. Các lỗi chủ yếu là vượt đèn đỏ, đi vào đường cấm, khu vực cấm, đi ngược chiều; đón, trả khách tại nơi cấm dừng, cấm đỗ… Những hình ảnh đó phần lớn do người dân tại chỗ bức xúc trước các hành vi vi phạm xảy ra tại địa bàn mình.

Tuy nhiên, càng về sau người dân càng ít gửi những hình ảnh vi phạm tới CSGT. Theo một cán bộ Đội Tuyên truyền - Phòng CSGT đường bộ - đường sắt, nguyên nhân một phần do TP chưa có cơ chế khen thưởng, trả “nhuận ảnh” cho người phát hiện vi phạm. Mặt khác, theo quy trình, người chụp ảnh phải tới phòng CSGT để trình bày thời gian, địa điểm ghi được hình ảnh để cán bộ thụ lý làm căn cứ mời người vi phạm tới (dù trên nhiều tấm ảnh, clip đã thể hiện rõ thời gian, địa điểm và hành vi vi phạm). Điều này làm người dân nản lòng do vừa mất công đi lại, vừa mất thời gian.

“Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính và tới đây nâng lên thành luật vẫn ghi nhận quyền, nghĩa vụ phản ánh của người dân. Quyết định 210 vẫn còn hiệu lực thi hành. Vấn đề là TP cần có một cơ chế phù hợp để khuyến khích người dân mặn mà với việc chụp ảnh, quay video người vi phạm giao thông gửi tới CSGT” - vị cán bộ Phòng CSGT đường bộ - đường sắt nói.

Tăng cường xử phạt qua camera

Theo Đại tá Võ Văn Nhuận, Trưởng phòng CSGT đường bộ - đường sắt, năm 2012 CATP sẽ tăng cường phạt nguội qua camera ghi hình người vi phạm giao thông. Đến nay, CATP đã lắp camera cố định trên 200 tuyến đường. Theo thống kê, hiện TP có khoảng 1.400 giao lộ, trong đó có khoảng 590 giao lộ có đèn tín hiệu giao thông có thể lắp đặt camera.

LƯU ĐỨC - HOÀNG TUYÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm