Bà Võ Thị Trung Trinh - Ảnh: TỰ TRUNG
Theo đó, các sở ngành liên quan sẽ dùng chung hệ thống liên thông này. Người dân khi có mã số biên nhận hồ sơ cũng có thể tự tra cứu xem hồ sơ của mình đã được giải quyết tới đâu, còn đang thiếu những thủ tục gì, cần bổ sung ra sao...
Bà Võ Thị Trung Trinh, phó giám đốc Sở Thông tin - truyền thông TP, cho biết:
- Hệ thống phần mềm này sẽ giải quyết căn bản về tính minh bạch, liên thông một cửa trong giải quyết hồ sơ nhà đất, nhưng đây mới là bước đi đầu tiên. Hướng tiếp theo sẽ là xây dựng một cơ sở dữ liệu về đất đai của toàn TP để phục vụ cho các hoạt động khác liên quan đến đất đai, giúp công tác quản lý nhà nước trên địa bàn tốt hơn.
* Ưu điểm lớn nhất của phần mềm này là gì, thưa bà?
- Kể từ ngày 1-10, việc tiếp nhận, luân chuyển và hoàn trả, thống kê báo cáo đối với hồ sơ đất đai được triển khai thí điểm trên phần mềm một cửa điện tử tại địa chỉ http://motcuadatdai.tphcm.gov.vn. Các đơn vị sử dụng gồm: Sở Tài nguyên - môi trường TP, Văn phòng đăng ký đất đai TP, chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai 24 quận huyện, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ đất đai tại UBND 24 quận huyện.
Đặc biệt, người dân, doanh nghiệp khi đã được thụ lý hồ sơ sẽ được cấp một mã hồ sơ. Dùng mã này tra cứu tại địa chỉ trên sẽ biết được tiến độ giải quyết hồ sơ tới đâu, còn phải bổ sung gì nữa hay không.
Theo tôi, đây là việc có ý nghĩa lớn, vì khi tổ chức văn phòng đăng ký đất đai thành một mối cấp TP thì người dân và cả các quận huyện chưa được cung cấp ứng dụng để giám sát được tình hình giải quyết hồ sơ nhà đất của mình. Với phần mềm này, người dân có thể biết được các thông tin đó một cách rõ ràng.
* Nhưng về lâu dài, phần mềm quản lý đất đai không chỉ dùng để giám sát quá trình giải quyết hồ sơ mà còn là chuyện xây dựng cơ sở dữ liệu toàn TP về đất đai. Việc này được TP triển khai như thế nào, thưa bà?
- Sở Thông tin - truyền thông TP sẽ tiếp tục phối hợp với Sở Tài nguyên - môi trường TP tập trung làm cơ sở dữ liệu đất đai tập trung của TP.
Hiện nay ở TP có tới 25 bộ cơ sở dữ liệu về đất đai, gồm dữ liệu của 24 quận huyện và của Văn phòng đăng ký sử dụng đất đai của TP. Vừa qua, hai sở đã phối hợp thực hiện tích hợp các cơ sở dữ liệu về trung tâm dữ liệu của TP rồi. Bây giờ quan trọng là các giải pháp kỹ thuật để tích hợp 25 bộ cơ sở dữ liệu đó trở thành một cơ sở dữ liệu dùng chung của TP.
Các giải pháp kỹ thuật này vẫn đang được nghiên cứu.
Khi đã có cơ sở dữ liệu về đất đai dùng chung của TP sẽ phục vụ cho rất nhiều việc khác, như cấp phép xây dựng chẳng hạn.
Nếu bây giờ trong hồ sơ xin phép xây dựng, người dân phải nộp cả bản sao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thì khi đã có cơ sở dữ liệu rồi, người dân chỉ cần cung cấp thông tin như số chứng nhận, ngày cấp, nơi cấp, cơ quan chức năng sẽ tự kiểm tra trên hệ thống.
* Theo bà, việc đưa vào hệ thống quản lý đất đai tập trung toàn TP có ý nghĩa như thế nào trong bối cảnh TP quyết tâm xây dựng TP thông minh?
- Đề án TP thông minh có một phần rất quan trọng là chính quyền điện tử. Tôi đánh giá hệ thống quản lý đất đai tập trung này là bước khởi đầu rất quan trọng.
Dựa trên việc giám sát được quá trình, tiến độ xử lý hồ sơ, nếu thủ tục nào có thể thực hiện liên thông điện tử được, hoặc thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 cho người dân, doanh nghiệp được thì mình có thể thực hiện ngay.
Dịch vụ công trực tuyến là dịch vụ hành chính công và các dịch vụ khác của cơ quan nhà nước được cung cấp cho các tổ chức, cá nhân trên môi trường mạng, được chia thành 4 cấp độ.
Ở cấp độ 3, dịch vụ công trực tuyến cho phép người sử dụng điền và gửi trực tuyến các mẫu văn bản đến cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ.
Các giao dịch trong quá trình xử lý hồ sơ và cung cấp dịch vụ được thực hiện trên môi trường mạng. Việc thanh toán lệ phí (nếu có) và nhận kết quả được thực hiện trực tiếp tại cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ.