Dân gặp khó vì nhà chờ xe buýt bị chiếm dụng

(PLO)- Tại một số nơi ở TP.HCM, các nhà chờ xe buýt bị chiếm dụng, khiến người dân gặp khó khăn trong việc tìm chỗ để chờ xe buýt.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Phản ánh đến báo Pháp Luật TP.HCM, một số bạn đọc cho biết tình trạng các nhà chờ xe buýt tại một số nơi ở TP.HCM bị chiếm dụng, khiến người dân gặp khó khăn trong việc tìm chỗ để chờ xe buýt.

Không ít nhà chờ xe buýt bị chiếm dụng để làm nơi buôn bán hàng hóa, để ngủ… thậm chí có nơi còn bị điểm tập kết rác bên cạnh lấn chiếm để rác, gây ô nhiễm và làm mất mỹ quan đô thị.

Nhà chờ xe buýt thành nơi để rác

Chị Bảo Ngọc (ngụ quận Tân Bình) cho biết mỗi công trình công cộng được xây dựng đều có mục đích sử dụng riêng. Vậy mà nhiều người lại dùng nó phục vụ cho mục đích cá nhân.

Nhà chờ xe buýt là nơi để người dân chờ xe, nhưng bị một số người lại dùng nơi này làm chỗ buôn bán. Trời nắng thì bày ra bên cạnh nhà chờ xe, có khi chiếm gần nửa nhà chờ, còn trời mưa thì đem hết hàng vô nhà chờ, khiến người chờ xe không có chỗ đứng. Các nhà chờ xe ở một số quận trung tâm ít thấy tình trạng này, chứ ở các quận, huyện xa thì bị nhiều lắm.

Tương tự, chị Nguyễn Ánh Ngọc (ngụ huyện Bình Chánh) cũng phàn nàn về tình trạng nhà chờ xe buýt bị chiếm dụng. Theo chị Ngọc, do nhà chờ xe buýt có mái che và chỗ ngồi, vì vậy mà các chú xe ôm hay các cô bán hàng rong cũng hay đến để nghỉ ngơi, ngủ. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là xe cộ, hàng hóa cũng được đem vô trong nhà chờ. Người dân đến chờ xe cũng không có chỗ để đứng chứ nói gì đến chỗ ngồi.

nhà chờ xe buýt bị chiếm dụng
Một nhà chờ xe buýt bị chiếm dụng để đủ thứ vật dụng. Ảnh: HT

Anh Nguyễn Thiện Chí (ngụ quận 3) cũng cho biết đây không phải là vấn đề mới nhưng nó tồn tại trong thời gian dài mà chưa thấy các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương có hướng giải quyết triệt để khiến người dân gặp nhiều bất tiện.

Anh Chí cho rằng muốn xử lý nên bắt đầu từ nguyên nhân và mục đích chiếm dụng. Từ đó có biện pháp như xử phạt, lắp camera giám sát…

“Trên đường Hoàng Sa có một nhà chờ xe buýt, kế bên là điểm tập kết rác, không biết từ bao giờ các công nhân thu gom rác tận dụng nhà chờ này dùng để đồ, thậm chí để rác. Hình ảnh này trông nhếch nhác giữa trung tâm TP. Người dân không thể vào nhà chờ vì ô nhiễm. Họ phải di chuyển đến nơi khác gần đó để chờ xe, khiến xe đón khách không đúng nơi quy định làm ảnh hưởng an toàn giao thông. Cơ quan chức năng nên xem xét, yêu cầu công nhân thu gom rác không được sử dụng nhà chờ này vào mục đích khác” - anh Chí nói.

Đã gửi 17 văn bản yêu cầu giải quyết

Trao đổi với PV, ông Lê Hoàn, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng (trung tâm), cho biết trung tâm được Sở GTVT TP.HCM phân cấp giao quản lý cơ sở hạ tầng phục vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn TP, bao gồm hệ thống điểm dừng, nhà chờ xe buýt.

Đồng thời, Sở GTVT cũng giao trung tâm thực hiện công tác duy tu, tuần tra, kiểm tra kết cấu các điểm dừng, nhà chờ xe buýt hằng ngày để phát hiện các hư hỏng, tình trạng chiếm dụng nhằm kịp thời có biện pháp xử lý (nếu có). Bên cạnh đó, trung tâm cũng thực hiện công tác vệ sinh xịt rửa, bảo trì tại các điểm dừng, nhà chờ xe buýt định kỳ hằng tháng.

Ông Lê Hoàn cũng cho biết thêm hiện UBND các quận, huyện được Sở GTVT TP.HCM phân cấp giao quản lý vỉa hè trên địa bàn, chịu trách nhiệm trong việc bảo đảm trật tự lòng đường, vỉa hè, bảo đảm công tác vệ sinh, mỹ quan đô thị. Bao gồm việc bố trí thùng rác, điểm tập kết rác, vệ sinh quét dọn, thu gom rác. Các địa phương cũng sẽ xử lý các tình trạng chiếm dụng lòng đường, vỉa hè để đậu xe, buôn bán, xả rác, tập kết rác…

“Hiện nay, tại các điểm dừng, nhà chờ xe buýt thường xảy ra các tình trạng người dân chiếm dụng để làm nơi buôn bán, tập kết rác, xà bần xây dựng, vật dụng sinh hoạt... Các đơn vị dịch vụ công ích các quận, huyện sử dụng điểm dừng xe buýt để làm điểm trung chuyển rác, tập kết thùng rác trong quá trình thu gom. Bên cạnh đó, ô tô, xe tải dừng đỗ tại vạch dừng dành cho xe buýt, xịt vẽ bậy, phá hoại kết cấu điểm dừng xe buýt” - ông Lê Hoàn cho hay.

Vì vậy, từ đầu năm đến nay, để giải quyết các tình trạng trên, trung tâm đã có 17 văn bản gửi chính quyền địa phương và các cơ quan quản lý chuyên ngành để phối hợp giải quyết theo thẩm quyền về tình trạng nhà chờ xe buýt bị chiếm dụng.

Qua đó, trung tâm đã nhận được năm văn bản phản hồi tình hình xử lý. Một số trường hợp đã được chính quyền địa phương hỗ trợ xử lý vi phạm hành chính, phạt tiền và buộc cam kết không vi phạm. Một số trường hợp chưa được giải quyết kịp thời, triệt để, chỉ nhắc nhở nên vẫn bị lấn chiếm.

Cũng theo ông Lê Hoàn, công tác tuần tra, kiểm tra kết cấu tại các điểm dừng, nhà chờ xe buýt được thực hiện hằng ngày. Khi phát hiện các trường hợp chiếm dụng điểm dừng, nhà chờ xe buýt, trung tâm không đủ thẩm quyền xử lý vi phạm, mà phải chuyển các thông tin đến các địa phương để phối hợp hỗ trợ kiểm tra, xử lý theo quy định.

Tăng cường kiểm tra các nhà chờ xe buýt

Trung tâm đã có nhiều giải pháp, song tình trạng chiếm dụng điểm dừng, nhà chờ xe buýt vẫn thường xuyên tái diễn. Sau khi kiểm tra, xử lý xong, lại tiếp tục lấn chiếm để kinh doanh, buôn bán.

Từ thực tế trên, các cơ quan chức năng cần có biện pháp xử lý triệt để hơn, nâng cao mức xử phạt hành chính cũng như đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền phổ biến pháp luật, quy định bảo vệ kết cấu hạ tầng phục vụ xe buýt.

Trong thời gian tới, trung tâm sẽ tiếp tục thực hiện công tác tuần tra, kiểm tra kết cấu tại các điểm dừng, nhà chờ xe buýt theo quy định để phát hiện các hư hỏng về kết cấu, tình trạng chiếm dụng để kịp thời xử lý (nếu có) và công tác vệ sinh xịt rửa, bảo trì định kỳ hằng tháng.

Trung tâm cũng sẽ phối hợp thường xuyên với địa phương để kiểm tra thực tế, có văn bản gửi địa phương và các đơn vị có liên quan để phối hợp, hỗ trợ xử lý một số bất cập cho phù hợp với thẩm quyền. Từ đó, bảo đảm an toàn, vệ sinh môi trường tại các điểm dừng, nhà chờ xe buýt.

Ông LÊ HOÀN, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm