Cây bàng to tự mọc trước nhà, tôi có thể tự chặt cho an toàn không?

(PLO)- Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi tự ý chặt hạ cây xanh, dịch chuyển, đào gốc cây xanh đô thị hoặc chặt rễ cây xanh khi chưa được cấp phép.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trước nhà tôi có một cây bàng to, tự mọc, đôi khi có những cành cây khô rớt ngay cổng ra vào, đường đi. Đặc điểm của cây này to, lá dễ rụng (rụng rất nhiều), cành giòn khi bị khô rụng gây nguy hiểm cho người đi đường.

Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi tự ý chặt hạ cây xanh, dịch chuyển, đào gốc cây xanh đô thị hoặc chặt rễ cây xanh khi chưa được cấp phép. Ảnh: TRẦN MINH

Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi tự ý chặt hạ cây xanh, dịch chuyển, đào gốc cây xanh đô thị hoặc chặt rễ cây xanh khi chưa được cấp phép. Ảnh: TRẦN MINH

Bạn đọc Nguyễn Thiện (TP.HCM):

. Xin hỏi tôi có được phép chặt cây đi hay không. Nếu tự ý chặt hạ cây xanh (cây bàng) tôi có bị xử phạt?

Luật sư Đào Thị Bích Liên, Đoàn Luật sư TP.HCM trả lời: Cụ thể tại khoản 3 điều 54 Nghị định 16/2022 quy định vi phạm quy định về bảo vệ cây xanh, công viên và vườn hoa như sau: Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi tự ý chặt hạ, dịch chuyển, đào gốc cây xanh đô thị hoặc chặt rễ cây xanh khi chưa được cấp phép.

Ngoài ra, biện pháp khắc phục hậu quả là còn buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu và đền bù giá trị cây theo quy định pháp luật.

Đồng thời, khi phát hiện cây xanh gây nguy hiểm cho người đi đường, tùy diện tích tuyến đường, người dân có thể chủ động liên hệ đường dây nóng của công ty Công viên cây xanh hoặc báo với cơ quan chức năng phối hợp để xử lý kịp thời tránh được hậu quả rủi ro xảy ra.

Như vậy: Không được phép tự ý chặt cây.

. Nếu là cây tự mọc, phát triển lâu năm tôi có được tự ý chặt hạ cây xanh?

Trường hợp cây xanh tự mọc cản trở việc đi lại, sinh hoạt của người dân thì liên hệ công ty Công viên cây xanh hoặc gửi đơn trực tiếp đến các khu quản lý giao thông đô thị quản lý địa bàn.

Sau đó, các cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận xem xét, trả lời và hướng dẫn. Nếu được cấp phép, người dân có thể thuê công ty Công viên cây xanh thực hiện việc di dời hoặc thuê một đơn vị khác nhưng phải có chức năng chuyên ngành về cây xanh, để không ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân xung quanh.

. Nếu cành cây đổ gãy trúng người đi đường thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm?

Theo quy định pháp luật thì chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý cây xanh phải bồi thường thiệt hại do cành cây gây ra. Tuy nhiên, không phải bất cứ lúc nào người bị thiệt hại cũng có thể được bồi thường.

Bởi căn cứ theo quy định pháp luật cụ thể Điều 584 Bộ luật Dân sự quy định sẽ không phải bồi thường thiệt hại vì sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại.

Điều 156 Bộ luật Dân sự 2015 quy định; sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan, không lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.

Nếu đơn vị quản lý cây xanh đã làm mọi biện pháp như cắt tỉa, mé nhánh, duy tu,… nhằm hạn chế tai nạn xảy ra nhưng nếu lý do bất khả kháng như thời tiết; mưa gió, bão,…khiến cây vẫn đổ gãy gây thiệt hại thì sẽ không phải bồi thường.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm