Trong tuần qua, thông tin Hội đồng Tiền lương quốc gia đã bỏ phiếu thống nhất tăng lương tối thiểu vùng năm 2024, với mức tăng 6% (tương ứng tăng 200.000-280.000 đồng tùy theo khu vực), đã nhận được sự quan tâm của bạn đọc. Việc tăng lương được thực hiện từ ngày 1-7-2024.
Một số bạn đọc cho rằng mức lương tối thiểu vùng tăng 6% tuy chưa cao nhưng hy vọng phần nào đáp ứng cuộc sống. Đồng thời, tăng lương tối thiểu vùng với mức như trên cũng phù hợp với bối cảnh các doanh nghiệp (DN) phải đối mặt với những khó khăn như hiện nay.
Người có thu nhập thấp đỡ một phần gánh nặng
Chị Nguyễn Thanh Hà, công nhân may làm việc tại Khu công nghiệp Tân Tạo, quận Bình Tân, TP.HCM, cho biết nếu tăng ca thì lương được khoảng 7,2 triệu đồng/tháng, với số tiền này chỉ đủ trả tiền trọ, ăn uống, mua đồ sinh hoạt cá nhân.
Khi nghe thông tin lương tối thiểu vùng sẽ tăng, chị hy vọng lương hằng tháng của những công nhân có thu nhập thấp như chị sẽ được tăng lên để đỡ phần nào gánh nặng kinh tế.
“Dù lương tối thiểu không tăng được nhiều nhưng đối với những người có thu nhập thấp cũng đỡ một phần. Mong rằng các DN năm sau sẽ có nhiều đơn hàng, doanh thu cao và nâng lương cho công nhân, để chúng tôi phấn khởi làm việc lo cho cuộc sống tốt hơn. Đặc biệt, hiện nay chúng tôi rất mong DN không bị cắt giảm đơn hàng để người lao động (NLĐ) có việc làm và có tiền thưởng Tết, như vậy là chúng tôi vui rồi” - chị Hà chia sẻ.
Anh Trần Văn Dũng, nhân viên bảo vệ tại một công ty ở quận Tân Bình, TP.HCM, chia sẻ: Hiện nay, mức lương cơ bản của anh chưa tính tăng ca đang ở mức bằng lương tối thiểu vùng, nếu tính tăng ca thì hằng tháng được khoảng 7 triệu đồng. Với số tiền này không đủ cho chi phí hằng tháng và anh phải tranh thủ chạy xe ôm công nghệ để kiếm thêm thu nhập lo cho gia đình.
“NLĐ mong muốn khi tăng lương tối thiểu vùng thì các cơ quan nhà nước phải đảm bảo chuyện giá dịch vụ, hàng hóa khác không tăng theo. Bởi nếu tăng lương tối thiểu vùng, chỉ những người có thu nhập thấp hơn lương tối thiểu vùng mới được tăng, còn những người khác vẫn giữ nguyên. Trong khi đó, giá cả các dịch vụ, mặt hàng thiết yếu tăng lên thì người dân lại gặp khó khăn nữa” - anh Dũng nói.
NLĐ được hưởng lợi khi tăng lương tối thiểu vùng
Trao đổi với PV về việc tăng lương tối thiểu vùng, NLĐ sẽ được tăng lương như thế nào, luật sư Trịnh Ngọc Hoàn Vũ, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho biết Điều 90 Bộ luật Lao động có quy định tiền lương là số tiền mà người sử dụng lao động trả cho NLĐ theo thỏa thuận để thực hiện công việc. Bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.
Khi tăng lương tối thiểu vùng thì những người có thu nhập thấp sẽ được tăng mức hưởng một số quyền lợi liên quan đến chế độ sau này.
Mức lương theo công việc hoặc chức danh không được thấp hơn mức lương tối thiểu. Như vậy, khi lương tối thiểu vùng tăng thì NLĐ sẽ được nhận mức lương ít nhất là bằng hoặc cao hơn mức lương tối thiểu vùng.
Mức lương tối thiểu vùng cũng ảnh hưởng đến mức đóng BHXH bắt buộc hằng tháng cho NLĐ. Cụ thể, theo Điều 5 Quyết định 595/QĐ-BHXH quy định mức đóng BHXH hằng tháng sẽ được căn cứ vào mức lương tháng đóng BHXH. Ngoài ra, điểm 2.6 khoản 2 Điều 6 Quyết định 595/QĐ-BHXH quy định mức tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng tại thời điểm đóng đối với NLĐ làm công việc hoặc chức danh giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường…
Như vậy, mức lương tối thiểu vùng tăng lên thì mức đóng BHXH đối với NLĐ đang đóng thấp hơn mức lương tối thiểu vùng cũng phải được điều chỉnh theo.
“Ngoài ra, việc tăng mức lương tối thiểu vùng cũng sẽ ảnh hưởng đến trợ cấp như trợ cấp thất nghiệp, lương hưu… ở một số đối tượng. Do đó, khi tăng lương tối thiểu vùng thì những người có thu nhập thấp sẽ được tăng mức hưởng một số quyền lợi liên quan đến chế độ sau này” - luật sư Vũ cho biết.•
Lương tối thiểu vùng sẽ tăng từ 195.000 đến hơn 280.000 đồng
Nghị định 38/2022 có quy định về mức lương tối thiểu đối với NLĐ làm việc theo hợp đồng lao động.
Cụ thể, tại Điều 3 Nghị định 38/2022 quy định mức lương tối thiểu tháng đối với NLĐ làm việc cho người sử dụng lao động theo vùng như sau: Lương tối thiểu vùng 1 là 4,68 triệu đồng/tháng; vùng 2 là 4,16 triệu đồng/tháng, vùng 3 là 3,64 triệu đồng/tháng và vùng 4 là 3,25 triệu đồng/tháng.
Như vậy, theo dự kiến, lương tối thiểu vùng 1 tăng hơn 280.000 đồng, thành 4,96 triệu đồng/tháng. Vùng 2 tăng gần 250.000 đồng, thành khoảng 4,41 triệu đồng/tháng. Vùng 3 tăng hơn 218.000 đồng, thành khoảng 3,86 triệu đồng/tháng. Vùng 4 tăng 195.000 đồng, thành gần 3,45 triệu đồng/tháng. PV