Tăng lương tối thiểu vùng: Giới chủ, người lao động 'chưa hài lòng'

(PLO)- Hội đồng Tiền lương Quốc gia đánh giá 6% lương tối thiểu vùng là mức tăng hài hòa, nhưng giới chủ doanh nghiệp và người lao động chưa hài lòng.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sau 3 tiếng lắng nghe bộ phận kỹ thuật phân tích, khoảng 11 giờ 45 ngày 20-12, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh, Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia, công bố hội đồng đã bỏ phiếu thống nhất tăng lương tối thiểu vùng năm 2024 với mức 6%.

Ý kiến khác nhau tại phiên họp lần hai

Mức tăng lương tối thiểu vùng mới tương ứng 200.000-280.000 đồng (tùy vùng) từ ngày 1-7-2024, cùng với thời điểm cải cách tiền lương khu vực công.

Tiếp nội dung phiên họp thứ nhất hồi đầu tháng 8-2023, Hội đồng Tiền lương Quốc gia bước vào phiên thứ hai tiếp tục đánh giá tình hình kinh tế trong nước và thế giới năm 2024 còn nhiều khó khăn, biến động khó lường. Tác động của kinh tế thế giới tới Việt Nam là không nhỏ.

Theo đó, đại diện giới chủ Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2024 với mức 4,5%-5%, bởi phải tính đến sức khỏe của doanh nghiệp (DN). Khi đơn hàng mới quay trở lại, giữ việc làm cho người lao động (NLĐ) quan trọng hơn.

Tuy nhiên, đại diện NLĐ là Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam đề xuất hai mức tăng lương tối thiểu vùng cao hơn lần lượt là 6,48% hoặc 7,3% từ ngày 1-7-2024. Mức tăng căn cứ kinh tế khởi sắc, đơn hàng DN quay trở lại.

Hội đồng Tiền lương Quốc gia nhóm họp chốt mức tăng lương tối thiểu vùng
Hội đồng Tiền lương Quốc gia nhóm họp chốt mức tăng lương tối thiểu vùng. Ảnh: V.LONG

Thêm vào đó, khảo sát do Viện Công nhân và Công đoàn thực hiện hồi tháng 11 vừa qua với 3.100 người thuộc các ngành nghề, loại hình sở hữu, quy mô lao động tại 10 tỉnh, TP cho thấy: 21,4% NLĐ cho biết mức lương tối thiểu vùng hiện nay và của những năm trước không có ý nghĩa gì so với tốc độ trượt giá. 26,8% cho rằng mức lương tối thiểu quá thấp, không phản ánh mức chi trả thực tế của thị trường lao động. 10,1% cho rằng mức lương như hiện nay không tạo ra động lực cho NLĐ phấn đấu.

Do hai bên còn có quan điểm khác nhau, hội đồng thống nhất bỏ phiếu. Kết quả, 16/16 thành viên thống nhất mức tăng lương tối thiểu vùng như trên.

Theo báo cáo mới nhất của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), từ năm 2015 đến nay Việt Nam luôn tăng lương tối thiểu vùng ổn định và nhất quán, từ mức 119 USD/tháng lên 168 USD/tháng hiện hành. Tính chung giai đoạn 2015-2022, lương tối thiểu tại Việt Nam tăng tổng 19,8%.

Ông Lê Văn Thanh cho rằng năm 2023 với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, kinh tế Việt Nam đạt mức tăng trưởng trên 5% - thuộc nhóm tăng trưởng cao trong khu vực. Lạm phát được kiềm chế dưới 4%. Qua đó, hỗ trợ DN phục hồi, đời sống của NLĐ được cải thiện. Tuy nhiên, khó khăn vẫn còn, đặc biệt là xuất khẩu khi đơn hàng giảm, nhiều DN thu hẹp sản xuất, cắt giảm việc làm và NLĐ.

“Trên cơ sở chia sẻ khó khăn giữa người sử dụng lao động và NLĐ, hội đồng thống nhất mức tăng lương tối thiểu vùng 6% để khuyến nghị Chính phủ. Đây là mức tăng hài hòa giữa các bên, có sự chia sẻ, được tất cả thành viên hội đồng thông qua” - ông Thanh nói.

Giới chủ DN, NLĐ “chưa hài lòng” với mức tăng

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về kết quả trên, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, khẳng định mức tăng 6% phù hợp trong bối cảnh DN phải đối mặt với những khó khăn rất khó đoán định trong năm tới.

“Trên tinh thần chia sẻ với DN, chúng tôi đồng thuận với mức tăng trên và tiếp tục động viên NLĐ cùng DN vượt qua khó khăn này” - ông Hiểu nói.

Phó chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng hy vọng DN mở rộng thị trường để tăng thêm đơn hàng, tạo việc làm ổn định cho NLĐ. Từ đó, giúp NLĐ có công việc ổn định, gắn bó lâu dài với DN. Với mức tăng 6%, ông Hiểu cũng cho rằng “cơ bản đáp ứng mức sống tối thiểu của NLĐ”.

Trong khi đó, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI, lại cho hay “chưa thỏa mãn với mức tăng này”. Bởi cộng đồng DN đang khó khăn, đặc biệt ngành công nghiệp, thương mại, dịch vụ dự báo năm 2024 vẫn rất khó khăn.

“Tuy nhiên, hội đồng hoạt động theo nguyên tắc đồng thuận, đây cũng là sự cảm thông, chia sẻ giữa người sử dụng lao động và NLĐ trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ. Vì vậy, chúng tôi đồng thuận mức điều chỉnh trên” - ông Phòng nói, đồng thời cho biết sẽ yêu cầu DN tuân thủ và chấp hành nghiêm mức tăng lương được hội đồng thông qua.

Với mức tăng 6%, ông Phòng khẳng định trong năm 2024 DN phải nỗ lực hơn rất nhiều để trả lương cho NLĐ. “Cạnh đó, chúng ta hy vọng kinh tế năm 2024 sẽ khởi sắc với những gói chính sách hỗ trợ từ Chính phủ, hay việc cải thiện môi trường đầu tư…” - ông Phòng nói.

Với mức tăng 6%, lương tối thiểu vùng từ ngày 1-7-2024 như sau: Vùng I tăng từ 4,68 triệu đồng/tháng lên 4,96 triệu đồng/tháng; vùng II tăng từ 4,16 triệu đồng/tháng lên 4,41 triệu đồng/tháng; vùng III tăng từ 3,64 triệu đồng/tháng lên 3,86 triệu đồng/tháng; vùng IV tăng từ 3,25 triệu đồng/tháng lên 3,45 triệu đồng/tháng.

Đối với lương tối thiểu giờ, hội đồng cũng thống nhất tăng tương ứng 6%. Cụ thể, vùng I tăng từ 22.500 đồng/giờ lên 23.800 đồng/giờ; vùng II tăng từ 20.000 đồng/giờ lên 21.200 đồng/giờ; vùng III tăng từ 17.500 đồng/giờ lên 18.600 đồng/giờ; vùng IV tăng từ 15.600 đồng/giờ lên 16.600 đồng/giờ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm