Người dân góp ý, chính quyền nên quyết tâm trị xả rác, tiểu bậy.
Đã có quy định cứ mạnh dạn làm
Nói thật dân mình ý thức về vệ sinh môi trường còn kém lắm. Nhiều người xả rác, tiểu bậy vô tội vạ, có những chỗ treo bảng cấm ngay trước mắt, họ thấy nhưng vẫn cứ vi phạm. Tôi thấy những quy định của Nghị định 155/2016 được nhiều cơ quan truyền thông đại chúng truyền tải trước khi có hiệu lực rồi. Hơn thế, trước đây cũng đã có quy định xử phạt dù còn thấp hơn và ai cũng hiểu tiểu bậy và vứt rác nơi công cộng là vi phạm nhưng mấy ai sợ, những người hay vi phạm thì vẫn chứng nào tật nấy.
Vì thế, đã có cây gậy pháp lý trong tay thì tôi mong các cơ quan chức năng cứ cương quyết thực hiện. Trong quá trình thực hiện vướng đến đâu gỡ đến đó chứ cứ thấy khó thì lại chờ thì biết đến bao giờ.
NGUYỄN HỮU LÝ, 317/16 quốc lộ 1A, phường
Thạnh Xuân, quận 12, TP.HCM
Đoạn đường Lò Lu, quận 9 (TP.HCM) dơ bẩn do người dân thường xuyên vứt rác bừa bãi dù đã có bảng cấm. Ảnh: NGUYỄN HIỀN
Đưa điểm nào có nhà vệ sinh, thùng rác lên smartphone
Tôi rất ủng hộ phạt nghiêm những hành vi vi phạm văn minh đô thị. Tuy nhiên, bên cạnh việc phạt thì mong các ngành chức năng triển khai thêm nhiều nhà vệ sinh công cộng, giỏ rác công cộng để hạn chế chuyện này.
Việc đi vệ sinh, đổ rác là một nhu cầu cần thiết nhất của mọi người. Chúng ta hãy quan sát xem trên đường phố có được bao nhiêu nhà vệ sinh, thùng rác đang hoạt động và có đáp ứng được nhu cầu của cư dân đô thị không. Lấy ví dụ, tôi đang chở con đi chơi từ quận 1 đến Bình Chánh nó mắc tè thì chẳng lẽ bảo nó nín sao mà được. Hơn nữa, người dân đi đường khát nước mua chai nước uống xong rồi để đâu trong khi tìm cái thùng rác công cộng đỏ con mắt không ra.
Khi có đủ thùng rác, nhà vệ sinh công cộng, tôi mong chính quyền đưa lên bản đồ công nghệ để khi một người đứng ở một điểm nào đó vào smartphone cập nhật thì biết ngay những thùng rác, nhà vệ sinh nào gần đó nhất để họ xả.
Muốn xử phạt thì trước tiên Nhà nước phải tạo điều kiện cho người dân thực hiện đúng. Nếu đã có đủ trang thiết bị rồi mà ai còn vi phạm thì cứ phạt thẳng tay.
NGUYỄN THỊ XUÂN NGÂN, hẻm 164 đường Hồ Học Lãm, phường An Lạc, quận Bình Tân, TP.HCM
Ông ĐỖ ANH KHANH, Phó Chủ tịch UBND quận Gò Vấp, TP.HCM: Tránh nhiều quyết định nhưng ít người thi hành Đối với các hành vi như xả rác và tiểu bậy, trước đây trên địa bàn thuộc quận Gò Vấp, các cơ quan chức năng vẫn thường lập biên bản và xử phạt. Khi Nghị định 155/2016 có hiệu lực, quận cũng đã triển khai và áp dụng xử phạt theo quy định mới. Tuy nhiên, với quy định mới này thì mức phạt tăng gấp nhiều lần so với trước đây nên bước đầu quận cũng chỉ tuyên truyền vận động người dân là chính. Cái khó lớn nhất cho địa phương là ra quyết định xử phạt mà người dân không có điều kiện thi hành thì cũng bó tay. Ví dụ, khi phường phát hiện một người dân chạy xe đạp xả rác thì lực lượng chức năng lập biên bản vi phạm, chẳng lẽ đi tạm giữ xe đạp của họ và khi ra quyết định xử phạt cao quá họ không có khả năng đóng thì phải làm sao!? Ngoài ra, trên địa bàn quận có rất nhiều người dân đến tạm trú, thu nhập thấp, khi họ vi phạm mình ra quyết định xử phạt với mức cao thì liệu họ có chịu đóng phạt. Vì thế để tránh trường hợp ra nhiều quyết định xử phạt nhưng không thể thi hành thì nên có một hướng dẫn cụ thể về cách xử phạt như thế nào cho hợp lý, hợp tình. Ông CHU XUÂN KHOA, Chủ tịch UBND phường 15, quận 5, TP.HCM: Phải dồn sức làm thôi! Nghị định 155/2016 có hiệu lực thì phường sẽ quyết tâm thực hiện. Tuy nhiên, hiện nay phường vẫn đang chú trọng đến công tác tuyên truyền vận động là chính bởi muốn xử phạt mức cao thì trước tiên người dân cũng phải được biết đã. Về hình thức tuyên truyền chủ yếu là phổ biến quy định từ tổ dân phố, treo bảng… Đồng thời, khi phường phát hiện người dân nào xả rác hay tiểu bậy thì nhắc nhở và buộc họ khắc phục hậu quả để cho họ nhớ và nhắc cho những người khác biết mà tránh. Lưu ý là theo Nghị định 155 thì mức phạt đã nâng cao nên có nhiều trường hợp phường sẽ chuyển lên quận xử lý. Đối với địa bàn của phường thì phường cách quận không xa nên việc phối hợp với quận để ra quyết định không thành vấn đề. Đặt trường hợp khoảng cách giữa phường, xã và quận, huyện xa nhau thì phải làm nhanh, vì nếu lập biên bản quá bảy ngày mà không ra quyết định thì không được. Do đó, thực tiễn mới đòi hỏi phải có sự kết hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng thì mới có thể thực hiện tốt được. Biết là khó nhưng chúng tôi vẫn cứ dồn sức làm để địa bàn văn minh, sạch đẹp hơn. |