“Lúc đầu tôi có thấy lạ về từ “cuộc chiến” nhưng sau khi nghe những thông tin phản ánh từ các địa phương thì tôi nhận ra đúng là một cuộc chiến”. Bà Nguyễn Thị Kim Liên, Trưởng phòng Công tác thi hành pháp luật và quản lý xử lý vi phạm hành chính - Sở Tư pháp TP.HCM, chia sẻ cảm xúc như thế tại buổi tọa đàm “Cuộc chiến” trị các vi phạm văn minh đô thị do Pháp Luật TP.HCM tổ chức vào ngày 14-2.
Gian nan xử lý
Từ ngày 1-2, Nghị định 155/2016 có hiệu lực thi hành mà theo đó các hành vi vi phạm môi trường như xả rác, tiểu bậy… bị phạt tiền cao gấp 10 lần so với trước. Nhiều ý kiến đồng thuận phạt cao trong lĩnh vực môi trường hay lĩnh vực giao thông sẽ tăng được tính răn đe nhằm giảm thiểu sai phạm, góp phần giữ gìn văn minh đô thị. Tuy nhiên, đại diện một số phường/quận tham gia tọa đàm cũng cho biết trước đây phạt thấp xử lý đã khó, giờ phạt cao xử lý càng khó hơn.
Đơn cử về một điểm nóng cần tập trung xử lý trên địa bàn là khu vực Công viên Lê Thị Riêng, ông Nguyễn Hữu Hùng, Phó Chủ tịch UBND phường 15, quận 10 (TP.HCM), chỉ ra cái khó lớn nhất là nhân sự xử lý. “Trong công tác xử lý các vi phạm về môi trường, giao thông, quận có điều động 2-3 nhân sự trật tự đô thị xuống phường nhưng cũng không đủ vì địa bàn rộng. Không chỉ những người bán hàng rong, xe đẩy mới lấn chiếm lòng, lề đường buôn bán, xả rác mà các hộ kinh doanh tại chỗ cũng lấn chiếm, xả rác. Người này thấy người kia vi phạm thì cũng vi phạm theo…” - ông Hùng nói.
Bà Vi Thị Thanh Xuân, chuyên viên xử lý vi phạm hành chính Đội Trật tự quản lý đô thị quận 1, cũng nêu khó khăn tương tự: “Biên chế của cán bộ trật tự đô thị rất ít. Trong tổ tám người đi thực tế kiểm tra, xử lý vi phạm thì chỉ có 1-2 cán bộ trật tự có thẩm quyền lập biên bản. Số còn lại là nhân viên trật tự đi theo hỗ trợ. Trong khi đó, nhiều người vi phạm đưa ra đủ lý do, nhiều trường hợp chấp nhận nộp phạt rồi lại tiếp tục vi phạm. Đối với hành vi tiểu bậy, xả rác, nhiều trường hợp vi phạm là tài xế, người lao động nghèo, dân vãng lai, tức là những người “không có tóc”. Họ không có điều kiện để nộp tiền phạt nên nếu chính quyền có phạt thì cũng không thể cưỡng chế”.
“Trước đây, có những trường hợp vi phạm phạt 150.000 đồng họ cũng chịu nộp, giờ Nghị định 155/2016 nâng lên đến tiền triệu không biết họ có chịu đóng không” - ông Nguyễn Minh Sơn, Tổ phó Tổ trật tự đô thị phường Bến Nghé (quận 1), lo ngại. Cũng theo ông Sơn, trước đây phường có xử phạt nhiều trường hợp xả xác, tiểu bậy nhưng kể từ khi có quy định mới thì phường chưa phạt trường hợp nào.
Tọa đàm đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp để nghị định mới về xử phạt các hành vi gây mất vệ sinh nơi công cộng được thực thi hiệu quả hơn. Ảnh: HUYỀN VI
Được phép phạt nguội
Ông Dư Huy Quang, Chánh Thanh tra Sở TN&MT TP.HCM, cho biết: Sở TN&MT đã chuẩn bị các kế hoạch để triển khai hiệu quả Nghị định 155/2016. Sẽ có nhiều giải pháp đồng bộ được thực hiện như lấy ý kiến địa phương để lắp đặt thêm nhiều thùng rác, xây dựng thêm nhà vệ sinh công cộng. Tại các địa điểm thường xảy ra vi phạm, TP sẽ gắn camera để phục vụ việc kiểm tra, phát hiện vi phạm, đồng thời treo những bảng hiệu tuyên truyền để số đông dễ nhận biết, chấp hành.
“Các hành vi tiểu bậy, xả rác thường diễn ra rất nhanh nên khó bắt quả tang. Vậy lực lượng chức năng phạt nguội thông qua hình ảnh được hay không?”. Trả lời thắc mắc này của bạn đọc được gửi đến buổi tọa đàm, luật sư Trần Cao Đại Kỳ Quân, Văn phòng Luật sư Tri Ân, khẳng định: “Đồng thời với các hành vi vi phạm giao thông, pháp luật hiện hành cũng cho phép phạt nguội hành vi vi phạm môi trường. Hành vi xả rác, tiểu bậy kết thúc cũng rất nhanh. Vì vậy nếu không kịp phát hiện, xử lý ngay thì xử phạt nguội”.
Đồng ý với cách phạt phù hợp này, ông Nguyễn Hữu Hùng, Phó Chủ tịch UBND phường 15, quận 10, đề xuất: “Quận có thể trang bị cho phường nhiều camera để phường tiện theo dõi và xử phạt”. Góp thêm ý kiến về phương tiện xử phạt, bà Xuân cho biết quận 1 đã trang bị camera hành trình gắn trên mũ của các cán bộ, nhân viên trật tự đô thị. Thiết bị này vừa làm cơ sở để xử phạt, vừa giám sát được việc làm của cán bộ trong quá trình thực thi nhiệm vụ.
Vướng thẩm quyền xử phạt
Đáng lưu ý là những hành vi vi phạm như tiểu bậy, xả rác nơi công cộng là các hành vi đơn giản. Chính vì thế, khi Nghị định 155/2016 tăng mức tiền phạt gấp 10 lần thì lại tạo ra xung đột về thẩm quyền xử phạt.
Theo Luật Xử lý vi phạm hành chính, lực lượng thi hành công vụ được xử phạt tại chỗ các vi phạm đơn giản với mức phạt 250.000 đồng. Trong khi đó, theo Điều 20 Nghị định 155/2016, các hành vi tiểu bậy, xả rác có mức phạt 1-5 triệu đồng. Với mức này, lực lượng chức năng không thể xử phạt tại chỗ mà phải lập biên bản, chuyển đến chủ tịch UBND cấp phường hoặc những người có thẩm quyền ra quyết định xử phạt.
Riêng đối với trường hợp xả rác lên vỉa hè, đường phố hoặc vào hệ thống nước thải đô thị thì mức phạt lên đến 7 triệu đồng. Với mức phạt này, thẩm quyền xử phạt là của UBND cấp quận. Như vậy cấp phường phải chuyển lên cấp quận ban hành quyết định xử phạt khiến quy trình xử lý bị kéo dài.
Tiểu bậy, kêu dội nước được không? Bà Vi Thị Thanh Xuân, chuyên viên xử lý vi phạm hành chính Đội Trật tự quản lý đô thị quận 1, thông tin: Đối với vi phạm giao thông thì còn tạm giữ được giấy tờ xe, bằng lái để làm cơ sở đảm bảo việc xử phạt. Còn tiểu bậy hay xả rác thì không thể tạm giữ cái gì cả mà chỉ có thể trông chờ vào việc người vi phạm tự giác nộp phạt. Khó vậy nên có nhiều trường hợp cán bộ sẽ buộc người vi phạm khắc phục hậu quả ngay là dội nước rửa sạch rồi lập biên bản nhắc nhở. Bà Nguyễn Thị Kim Liên, Trưởng phòng Công tác thi hành pháp luật và quản lý xử lý vi phạm hành chính - Sở Tư pháp TP.HCM, phân tích: Điểm c khoản 13 Điều 20 Nghị định 155/2016 có quy định về việc buộc phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường và báo cáo kết quả đã khắc phục xong hậu quả vi phạm. Như vậy việc quận 1 buộc người tiểu bậy phải dội nước là có cơ sở pháp lý và điều này phải ghi nhận vào trong quyết định xử phạt. Luật sư Phạm Công Hùng lưu ý: Theo điều khoản trên thì người ra quyết định xử phạt và buộc khắc phục hậu quả là chủ tịch UBND phường. Như vậy, nếu người đi kiểm tra, giám sát và phát hiện vi phạm là cán bộ trật tự đô thị thì cán bộ đó không được phép buộc người vi phạm dội nước. Ngặt nỗi, đợi đến khi có quyết định xử phạt mới làm thì hiện trường vi phạm đã không còn nữa, không lẽ cán bộ phải đứng đó giữ hay phải đánh dấu vị trí… để khắc phục? “Để đảm bảo tính khả thi, nhiều điều khoản trong quy định xử lý vi phạm hành chính cần phải được xem xét, điều chỉnh” - luật sư Hùng đề nghị. |