Nỗ lực hoàn thành công trình đúng thời hạn nhưng chỉ để... chờ! |
90 triệu USD "đắp chiếu" bởi... 6m2 đất GPMB
Dân số TP.HCM hiện nay xấp xỉ 10 triệu dân, mỗi ngày tiêu thụ khoảng 3 triệu m3 nước nhưng Sawaco chỉ cung cấp được 1,2 triệu m3. Trong khi năng lực của Sawaco không đủ cung cấp nước cho người dân thành phố thì lượng nước thất thoát trên 35% hiện nay đẩy người dân vào nạn "khát nước" triền miên.
Để giải bài toán này UBND TP.HCM đã đưa ra chủ trương xã hội hoá ngành cấp nước. Tuy chủ trương đã có nhưng những chính sách, thủ tục hành chính từ các quận huyện đã dựng "rào cản" ngăn các thành phần kinh tế khác tham gia. Một số tập đoàn lớn nước ngoài đã tham gia đầu tư vào lĩnh vực này nhưng sau khi khảo sát xong môi trường đầu tư, môi trường làm việc…, đều rút lui.
Sau khi Công ty cấp nước Lyonnaise "bỏ chạy", được sự chấp thuận của Chính phủ, UBND TP.HCM đã tiếp tục thực hiện dự án Nhà máy nước Thủ Đức bằng cách ký hợp đồng Xây dựng - Sở hữu - Vận hành Nhà máy nước Thủ Đức với Công ty cổ phần BOO Thủ Đức theo hình thức chìa khóa trao tay.
Dự án nhà máy sản xuất và cung cấp nước sạch của Công ty cổ phần BOO được khởi công từ ngày 1/10/2005, với công suất 300.000m3 nước/ngày, phục vụ cho khu vực phía Nam thành phố, gồm các quận 7, 9, 2, Thủ Đức, huyện Nhà Bè, Cần Giờ... với số vốn đầu tư 90 triệu USD đang đi vào giai đoạn hoàn thành.
Khối lượng công trình khá lớn, từ hồ chứa nước, khu xử lý, trạm bơm cần giải tỏa và đền bù 50ha đất. Công trình được chủ đầu tư thuê tập đoàn CDM International Inc Hoa Kỳ làm tư vấn, quản lý dự án và giám sát thi công. Nhà thầu thi công cũng là nhà thiết kế là Tập đoàn Hyundai Mobis (Hàn Quốc).
Nhà máy nước BOO sẽ đi vào sản xuất nước ngày 19/11/2007. Và theo hợp đồng ký kết thì tháng 8/2007 nhà máy vận hành chạy thử.
Thế nhưng đến nay, vẫn chưa có giọt nước sạch nào được đưa về cho người dân phía Nam thành phố…
Công trình trọng điểm của nhà máy là đường ống dẫn nước dài 25km đi từ Thủ Đức băng ngầm qua sông Sài Gòn đến Nhà Bè. Đường ống chính này có đường kính 2m, nên mặt bằng đất cần giải tỏa là 8m bề ngang. Hiện nay tiến độ thi công của đường ống này đang được thi công theo kiểu phân khúc, nhưng chưa kết nối được, chỉ vì GPMB chưa xong.
Hiện tại, tuyến đường ống đi qua các quận huyện hiện đều vướng, chỉ duy nhất đoạn ống đi ngầm dưới sông Sài Gòn là Sawaco bàn giao mặt bằng đúng thời hạn… (do không phải giải toả hộ dân nào).
Một đoạn quan trọng trong tuyến này, đường ống từ nhà máy đến cầu Rạch Chiếc (dài 600m, ngang qua phường Hiệp Phú, quận 9, có tác dụng giúp nhà máy vận hành thử thành công) cũng chưa thể ráp nối do "vướng" 1 hộ dân. Thế là, kế hoạch chạy thử với công suất 300.000m3 nước/ngày vào tháng 8/2007 thất bại. Cả công trình đành nằm chờ, thiệt hại 1 ngày ước tính khoảng 300 triệu đồng.
Trả lời về việc này, chính quyền địa phương nói: Không biết đến lúc nào mới thỏa thuận xong với hộ dân này…
Thời điểm vận hành Nhà máy nước Thủ Đức đã điểm nhưng đường dẫn vẫn chưa thông. |
Trách nhiệm GPMB, theo hợp đồng ký kết giữa chủ đầu tư với UBND TP.HCM, thuộc về Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco).
Theo hợp đồng, chủ đầu tư giao cho UBND thành phố 340 tỷ đồng để GPMB; UBND thành phố đã giao số tiền này cho Sawaco.
Theo hợp đồng kinh tế số 001/HĐ-BOO được ký kết giữa UBND TP.HCM và Công ty cổ phần BOO Thủ Đức ngày 31/08/2005 điều 1.4 qui định: Thời gian hoàn thành công trình chính thức phát nước sạch cho thành phố là 28 tháng.
Nay thời hạn 28 tháng qua, nhà máy sẵn sàng phát nước nhưng hệ thống mạng phân phối nước thì chỉ nằm trên giấy!
Cũng trong hợp đồng này thì UBND thành phố giao cho Sawaco đảm nhiệm việc GPMB để thi công mạng ống nước chính. Bên BOO thì thực hiện đúng hợp đồng nhưng Sawaco thì không thực hiện được những gì mình đã cam kết.
Tại cuộc họp ngày 13/9/2007 do Sở GTCC chủ trì với các địa phương có đường ống nước đi ngang qua gồm quận 2, 7,9, Nhà Bè cho thấy công việc GPMB của Sawaco còn rất ngổn ngang.
Cụ thể tại quận 2, chỉ đạo của UBND thành phố là phải bàn giao 13.000m2 đất cho đơn vị thi công đường ống trước ngày 10/08/2007, nhưng tại cuộc họp 13/9 UBND quận 2 báo cáo rằng: Khẩn trương lập phương án thu hồi đất theo qui định pháp luật?!
Còn tại quận 7 thì việc đường ống đi ngang qua thể hiện sự yếu kém của công tác qui hoạch. Tại đây, đường ống nước vướng nút giao thông Nam Sài Gòn, vướng đường ống hiện hữu của Sawaco và đặc biệt là vướng đường dây diện 15KV của Nhà máy Điện Hiệp Phước.
Đến bao giờ cảnh chen nhau mua nước mới chấm dứt? |
"Nhùng nhằng" giải tỏa, dự án lớn cũng bị tẩy chay
Hiện tại Nhà máy nước BOO đã xây xong và có thể sản xuất ra nước sạch theo đúng hợp đồng ký kết nhưng người dân vẫn còn khát nước dài dài. Hệ thống mạng đường ống tiếp nhận và phân phối đến tay người tiêu dùng vừa được Sawaco qui hoạch xong, Sawaco cũng đã có tiền, nhưng trở ngại lớn nhất lại là... không đơn vị nào hứng thú thầu thi công công trình này.
Ông Lý Chung Dân, Phó Tổng giám đốc Sawaco phát biểu trong buổi họp với Ủy ban Kinh tế và Ngân sách HĐND thành phố chiều 19/9/2007: Tất cả mọi thứ đã sẵn sàng nhưng hồ sơ mời thầu không được các nhà thầu ưu ái, vì khi xây dựng hệ thống mạng đường ống nước thì phải giải tỏa đền bù nhiều hộ dân.
Đây là một trở ngại lớn cho các nhà thầu vì tiến độ GPMB của các quận huyện luôn đẩy nhà thầu vào thế bị động, nhà thầu sẽ lỗ nếu phải ngưng thi công do không có mặt bằng.
Để minh chứng thêm điều này, ông Hồ Văn Lâm, Phó Tổng phụ trách xây dựng cơ bản của Sawaco dẫn chứng: Theo hợp đồng thì Nhà máy BOO Thủ Đức tháng 8/2007 phải chạy thử tải trong 1 tháng, và chạy kiểm tra chất lượng nước liên tục 20 ngày tiếp theo. Như vậy thì tháng 10/2007 sẽ chính thức phát nước sạch đã qua kiểm nghiệm.
Nhưng hiện nay việc chạy thử tải này không thực hiện được bởi UBND quận 9 vẫn đang xin ý kiến UBND thành phố để cưỡng chế 2 hộ dân không chịu bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công đường ống chính!
Xã hội hóa ngành cấp nước là một chủ trương đúng của UBND thành phố, thế nhưng công trình đầu tiên do tư nhân bỏ vốn ra làm này đang bị vướng mắc bởi những thủ tục hành chính từ các quận huyện.
Chuyện bồi thường vi phạm hợp đồng sẽ được hai bên thỏa thuận sau nhưng thiệt hại thì vô hình, trước mắt là lời hứa chấm dứt cảnh khát nuớc sạch ở quận 7, huyện Nhà Bè, quận 2 , Cần Giờ… vào mùa khô năm 2008 xem ra khó thực hiện.
Tấn Thuấn<EM> ( Theo VietNamNet)</EM>