Công an huyện Thanh Chương phối hợp cùng Ban Công an xã Ngọc Lâm vận động người dân giao nộp hơn 50 súng các loại.
“Người dân nơi đây chủ yếu là đồng bào dân tộc tái định cư từ Bản Vẽ chuyển về. Súng, kích,… giống như bàn tay phải. Muốn dân tự nguyện giao nộp phải có được lòng dân chứ cứ vào nhà dân khơi khơi lục tìm sẽ tạo nên hình ảnh xấu, gây mất tình đoàn kết. Mà dân muốn giấu súng thì lực lượng chức năng vào nhà lục tìm chưa chắc đã thấy!”.
Trao đổi với PV báo Pháp Luật TP.HCM chiều 27-12, Thiếu tá Lê Khắc Thịnh, Đội trưởng Đội Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an huyện Thanh Chương, Nghệ An cho biết như trên.
Xã Ngọc Lâm giáp biên giới Lào, là nơi sinh sống của hàng trăm đồng bào dân tộc tái định cư Bản Vẽ chuyển về. Người dân nơi đây ngày xưa vốn sinh sống làm ăn từ công việc săn bắt thú rừng bằng súng, kích, mã tấu… Những vũ khí nguy hiểm trên giống như bàn tay phải của những đồng bào nơi đây.
Thiếu tá Lê Khắc Thịnh chia sẻ: Quan trọng nhất là công tác tuyên truyền, phải làm sao để dân hiểu được việc cất giữ súng hay những dụng cụ khác như dao, kiếm,… là nguy hiểm để các hộ dân tự nguyện giao nộp.
Để làm được điều này, trước đó anh và các chiến sĩ đã cùng Ban Công an xã Ngọc Lâm (huyện Thanh Chương, Nghệ An) trực tiếp đến gặp trưởng bản - người có uy tín, tiếng nói trong bản để tổ chức họp bản trò chuyện, thậm chí vào tận từng hộ gia đình để vận động, không quản nắng mưa.
“Chúng tôi kể về những lần người dân dùng súng săn bắn chim, thú vô tình bắn trúng người. Mà mới tháng 8 vừa rồi lại có một vụ việc đau lòng tương tự. Dân thường đi làm vào ban ngày thì mình đến buổi tối, tôi nghĩ quan trọng nhất là phải có được lòng dân, sự tin tưởng của dân” - anh nhớ lại.
Không khí ấm cúng, sự nhiệt tình, tận tụy của các chiến sĩ công an đã tác động đến nhận thức của người dân. Sau những buổi tuyên truyền, người dân đã trực tiếp tới UBND xã để giao nộp.
Lực lượng chức năng đã tiến hành lập biên bản thu giữ, ký cam kết không tái phạm với các hộ dân và sẽ thành lập hội đồng tổ chức tiêu hủy theo quy định của pháp luật.
Dưới đây là một số hình ảnh:
53 khẩu súng các loại
Thiếu tá Lê Khắc Thịnh (phải), Đội trưởng Đội Quản lý hành chính về trật tự xã hội
Người dân tự nguyện đến giao nộp vào sáng 27-12
Cán bộ chiến sĩ đi bộ vào nhà dân
Trực tiếp trò chuyện với các hộ gia đình
Quan trọng phải có được lòng dân
Số vũ khí dân tự nguyện giao nộp