Dàn tỉ phú và nội các ‘giàu có’ của ông Donald Trump

(PLO)- Nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump sẽ có sự tham gia của dàn tỉ phú hàng đầu nước Mỹ.

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump từ lâu đã gắn liền với sự giàu có. Theo tạp chí Forbes, giá trị tài sản ròng của ông Trump tính đến tháng 11 là 5,6 tỉ USD.

Và sự giàu có cũng là điểm nổi bật trong nội các của ông Donald Trump ở nhiệm kỳ đầu tiên với sự tham gia của nhiều triệu phú. Trong nhiệm kỳ sắp tới, các ứng viên cho vị trí trong nội các và cố vấn của ông Trump tiếp tục gây chú ý do có khối tài sản khổng lồ, theo trang Business Insider.

Tỉ phú Elon Musk

Tỉ phú Musk là người giàu nhất từng làm việc cho ông Donald Trump. Giám đốc điều hành (CEO) hãng xe Tesla đang là người giàu nhất thế giới với khối tài sản ròng trị giá 323,2 tỉ USD.

Tỉ phú Elon Musk. Ảnh: GETTY IMAGES

Ông Donald Trump đã chọn ông Musk làm đồng chủ tịch Bộ Hiệu suất chính phủ. Ông Musk sẽ làm việc với doanh nhân bảo thủ Vivek Ramaswamy. Bộ đôi này cho biết họ muốn cắt giảm hơn 2.000 tỉ USD từ ngân sách liên bang.

Thông thường, để làm việc trong chính phủ, các doanh nhân phải thoái vốn khỏi các công ty. Tuy nhiên, ông Musk không phải đối mặt với yêu cầu này vì Bộ Hiệu suất chính phủ - được ông Donald Trump dự kiến thành lập sau khi nhậm chức - không chính thức nằm trong bộ máy chính quyền.

Các chuyên gia nói với Business Insider rằng vẫn phải chờ xem Bộ Hiệu suất chính phủ có được coi là thuộc phạm vi điều chỉnh của Đạo luật Ủy ban Cố vấn Liên bang (FACA) hay không. Đạo luật này, được ban hành từ thập niên 1970, nhằm minh bạch hóa và kiểm soát các hội đồng tư vấn bên ngoài của chính phủ.

Nếu Bộ Hiệu suất chính phủ thuộc phạm vi của FACA, ông Musk và ông Ramaswamy có thể sẽ phải kê khai tài chính cá nhân. Quan trọng hơn, Bộ Hiệu suất chính phủ có thể bị buộc phải tổ chức các cuộc họp công khai cũng như công khai các tài liệu liên quan để người dân tiếp cận.

Chuyên gia cho rằng cách tiếp cận sắp tới của ông Musk đối với chính phủ Mỹ có thể tương tự cách ông điều hành các công ty của ông như Tesla, SpaceX và xAI. Ông Musk nổi tiếng với phong cách quản lý cứng rắn và không ngại sa thải hàng loạt.

Vị tỉ phú đã chi khoảng 119 triệu USD để thúc đẩy chiến dịch tranh cử của ông Donald Trump và “khoản cược” của ông đã được đền đáp xứng đáng. Kể từ cuộc bầu cử, tài sản của ông Musk đã tăng hơn 70 tỉ USD.

Tỉ phú Howard Lutnick

Ông Lutnick, người được ông Donald Trump chọn làm Bộ trưởng Thương mại Mỹ, có giá trị tài sản hơn 1,5 tỉ USD nhờ nhiều thập niên làm việc tại Phố Wall. Ông là CEO của công ty dịch vụ tài chính Cantor Fitzgerald và công ty môi giới phụ của Cantor Fitzgerald là BGC Partners.

Tỉ phú Howard Lutnick - người được Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump chọn làm Bộ trưởng Thương mại. Ảnh: AFP

Ngoài công việc tại Cantor Fitzgerald, ông Lutnick còn là chủ tịch của Newmark Group - một tập đoàn bất động sản khổng lồ có giá trị khoảng 3,9 tỉ USD.

Ông Donald Trump nói rằng ông Lutnick sẽ là người đại diện cho ông về thương mại, mặc dù vai trò này thường do Đại diện Thương mại Mỹ - một chức vụ cấp nội các - đảm nhiệm.

Nếu được Thượng viện Mỹ chấp thuận, ông Lutnick sẽ giám sát 13 cơ quan của Bộ Thương mại Mỹ.

Tỉ phú Vivek Ramaswamy

Như đã đề cập, tỉ phú Ramaswamy sẽ cùng điều hành Bộ Hiệu suất chính phủ với tỉ phú Musk.

Ông Ramaswamy là doanh nhân trong lĩnh vực công nghệ sinh học và dược phẩm. Ông sở hữu khối tài sản 1,1 tỉ USD.

Tỉ phú Vivek Ramaswamy. Ảnh: GETTY IMAGES

Vị tỉ phú này thành lập công ty dược phẩm Roivant Sciences vào năm 2014 và niêm yết trên sàn chứng khoán vào năm 2021. Công ty Roivant Sciences có vốn hóa thị trường hơn 9 tỉ USD.

Ông Ramaswamy đã từ chức khỏi Roivant Sciences vào năm 2021 để tập trung vào chính trị. Hiện tỉ phú này sở hữu khoảng 10% tổng số cổ phần lưu hành của công ty.

Năm 2022, ông Ramaswamy đồng sáng lập công ty đầu tư Strive Asset Management. Công ty này có sự góp vốn từ Phó Tổng thống đắc cử JD Vance - người từng học luật chung trường luật với ông Ramaswamy.

Tương tự ông Vance và ông Donald Trump, ông Ramaswamy xây dựng danh tiếng chính trị dựa trên nền tảng kinh nghiệm kinh doanh.

Tỉ phú Ramaswamy cũng tham gia cuộc bầu cử sơ bộ để đại diện đảng Cộng hòa ra tranh tổng thống nhưng đã rút khỏi cuộc đua vào tháng 1-2024. Ông Ramaswamy sau đó đã chuyển sang ủng hộ ông Donald Trump.

Mùa hè vừa qua, ông Ramaswamy đã mua lại cổ phần của trang tin trực tuyến BuzzFeed nhằm tái cấu trúc trang tin này theo định hướng bảo thủ.

Tỉ phú Steven Witkoff

Tỉ phú Witkoff sẽ đảm nhiệm vai trò là đặc phái viên của ông Donald Trump tại Trung Đông.

Tỉ phú Steven Witkoff. Ảnh: GETTY IMAGES

Là một nhà phát triển bất động sản, ông Witkoff có giá trị tài sản khoảng 1 tỉ USD nhờ vào cổ phần trong công ty phát triển Witkoff Group - công ty chuyên về các căn hộ cao cấp, khách sạn và không gian văn phòng trên khắp nước Mỹ.

Ông Witkoff cũng hợp tác với ông Donald Trump trong dự án tiền điện tử World Liberty Financial .

Ông Witkoff không có kinh nghiệm chính trị liên quan vai trò mà ông sắp đảm nhiệm. Trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Donald Trump, người đảm nhiệm vị trí này là con rể Jared Kushner.

Doanh nhân Scott Bessent

Doanh nhân Scott Bessent - người được ông Donald Trump đề cử làm Bộ trưởng Tài chính Mỹ. Ảnh: AFP

Theo Business Insider, ông Bessent - người được ông Donald Trump đề cử làm Bộ trưởng Tài chính, có khả năng là một tỉ phú mặc dù Forbes vẫn chưa công nhận ông này là tỉ phú.

Ông Bessent được đánh giá là một nhân vật lão làng tại Phố Wall. Ông từng làm việc với nhà tài phiệt Mỹ George Soros (một trong những nhà đầu tư huyền thoại thế giới) và đứng sau hai thương vụ sinh lợi lớn của ông Soros.

Năm 2017, ông Bessent thành lập công ty tài chính Key Square Capital nhưng công ty này đang gặp khó khăn trong việc duy trì lợi nhuận ổn định.

Dù từng ủng hộ đảng Dân chủ nhưng hiện tại ông Bessent hoàn toàn đứng về phía ông Trump. Trong cuộc bầu cử tổng thống năm nay, ông Bessent đã đóng góp 3 triệu USD cho các ủy ban hành động chính trị của đảng Cộng hòa.

Ông Bessent vượt qua nhiều cuộc cạnh tranh khốc liệt sau hậu trường để đảm nhận vai trò đứng đầu Bộ Tài chính dù không có được sự ủng hộ của tỉ phú Musk.

Thị trường phản ứng tích cực với việc ông Trump chọn ông Bessent, nhưng tổng thống đắc cử đã sớm làm rõ rằng việc lựa chọn ông Bessent sẽ không làm giảm cam kết của ông đối với chính sách áp thuế quan.

Bà Linda McMahon

Bà Linda McMahon là người ông Trump cho vị trí Bộ trưởng Bộ Giáo dục, đồng thời là đồng chủ tịch nhóm chuyển giao quyền lực của tổng thống đắc cử Mỹ.

Bà Linda McMahon - người ông Donald Trump chọn cho vị trí Bộ trưởng Bộ Giáo dục Mỹ. Ảnh: AFP

Bà McMahon là lãnh đạo Cơ quan Quản lý Doanh nghiệp Nhỏ (SBA) trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump.

Theo nhiều nguồn tin, bà McMahon từng hy vọng được đề cử cho vị trí Bộ trưởng Thương mại nhưng vị trí này đã thuộc về ông Howard Lutnick sau khi ông này không được chọn cho vị trí Bộ Tài chính.

Bà McMahon không có nhiều kinh nghiệm về chính sách giáo dục, nhưng trong những năm gần đây bà đã lãnh đạo Viện Chính sách Nước Mỹ Trên Hết (America First Policy Institute) - một tổ chức tư vấn có nhiều đồng minh của ông Trump.

Khi công bố chọn bà McMahon, ông Trump cam kết rằng bà sẽ thúc đẩy “quyền lựa chọn trường học” - một mục tiêu lâu nay của phe bảo thủ nhằm cho phép sử dụng quỹ công để chi trả học phí tại các trường tư và trường bán công.

Dù không phải tỉ phú, bà McMahon đã quyên góp 15 triệu USD cho chiến dịch tranh cử của Trump.

Chồng bà - ông bà McMahon là cựu chủ tịch hội đồng quản trị của công ty truyền thông TKO Group Holdings và có tổng giá trị tài sản ước tính 3 tỉ USD.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới