Bí thư, kiêm Chủ tịch tỉnh Bình Thuận Nguyễn Mạnh Hùng đã có những trao đổi thẳng thắn với các tầng lớp nhân dân tại thị trấn Ma Lâm, huyện Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận tối 6-10.
Cuộc trao đổi này nằm trong kế hoạch tiếp xúc các tầng lớp nhân dân của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam. Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Thiện Nhân dẫn đầu đoàn công tác.
Tại cuộc tiếp xúc, đồng bào Chăm nêu thực tế: Trái thanh long trước đây đã giúp xóa đói giảm nghèo. Nhưng gần đây, thanh long rớt giá, tư thương, trong đó có cả tư thương Trung Quốc ép giá làm cho nhiều hộ dân không còn mặn mà trồng thanh long. Nhiều ý kiến đề nghị Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Hùng phải có biện pháp giải quyết tình trạng này.
Ông Thông Khói, thị trấn Ma Lâm nói rằng: Sản xuất thanh long giờ rất khó khăn. Ảnh: HOÀNG ANH
Trước những ý kiến này, ông Nguyễn Mạnh Hùng nhận định: Thanh long đã đặt ra nhiều vấn đề cho tỉnh Bình Thuận trong sản xuất nông nghiệp.
“Toàn tỉnh hiện có khoảng 27.000 ha, sản lượng xấp xỉ 500.000 tấn, thanh long đã đi vào 14 nước và vùng lãnh thổ nhưng có tới 70% thanh long tiêu thụ ở Trung Quốc, trong số đó có tới 70% theo đường tiểu ngạch. Vì nhiều lý do khác nhau, chúng ta chưa xuất khẩu được theo đường chính ngạch” - ông Hùng thông tin.
Về hiện tượng một số tư thương, doanh nhân ép giá thanh long, ông Hùng nói chính quyền đã vào cuộc và nói: “Những doanh nhân nước ngoài đó núp bóng, kinh doanh trái phép, trốn thuế sẽ không làm gì được nếu không có sự tiếp tay của người dân. Chúng ta không chấp nhận được những chuyện đó, nhất là người dân vì lợi ích trước mắt mà tiếp tay cho người nước ngoài núp bóng, trốn thuế”.
Ông Hùng mong muốn người dân duy trì sản lượng thanh long, vì bằng nhiều cách khác nhau, Chính phủ đã quan hệ tốt với nhiều nước. Nếu thanh long đáp ứng được tiêu chuẩn của các nước, thì triển vọng xuất khẩu là rất lớn.
Ông Nguyễn Thiện Nhân gợi ý người dân nên liên kết lại, thành lập hợp tác xã để có thể sản xuất, kinh doanh tốt hơn. Ảnh: HOÀNG ANH
Ông Nguyễn Thiện Nhân cho rằng: Để thanh long có thể giúp dân làm giàu, phải thay đổi phương thức sản xuất, kinh doanh. “Hộ nông dân làm ăn giỏi nhưng không kinh doanh giỏi, không thể đàm phán sòng phẳng với tư thương, doanh nghiệp. Nếu thành lập hợp tác xã sản xuất thanh long, thì hợp tác xã sẽ có tư cách pháp nhân để đại diện cho người dân trong các mối quan hệ sản xuất, kinh doanh” - ông Nhân gợi ý.
Ông Nhân cũng lưu ý rằng: Nếu muốn xuất khẩu thanh long sang Trung Quốc theo đường chính ngạch, thì thanh long Bình Thuận phải có thương hiệu. “Liệu các hộ dân ở Ma Lâm có thể liên kết lại để có một thương hiệu thanh long cho mình hay không?” - ông Nhân đặt vấn đề.