Dân TP.HCM sẽ biết thông tin về ô nhiễm trên điện thoại
Video: GĐ Sở TN&MT TP.HCM nói về trạm quan trắc và ô nhiễm môi trường. Thực hiện: HOÀNG GIANG.
Sáng 9-12, kỳ họp thứ 17 HĐND TP.HCM khóa IX tiến hành phiên chất vấn Giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Toàn Thắng.
Đại biểu Trần Quang Thắng đặt câu hỏi liên quan đến ô nhiễm không khí. Ảnh: HOÀNG GIANG
Là người đầu tiên chất vấn, đại biểu Trần Quang Thắng quan tâm và đề cập đến vấn đề ô nhiễm không khí tại TP.HCM thời gian qua. “Sở có bốn trạm quan trắc đủ để quản lý ô nhiễm trên toàn TP hay chưa?" - ông Thắng đặt câu hỏi.
Tiếp đến, đại biểu Nguyễn Mạnh Trí cũng cho rằng TP.HCM là một trong những đô thị ô nhiễm nhất của cả nước và khu vực. “Với vai trò nhạc trưởng ngành tài nguyên môi trường, đề nghị ông đánh giá tổng thể về chất lượng không khí, nước, tiếng ồn và những giải pháp để bảo vệ môi trường, không để xảy ra ô nhiễm không khí như vừa qua nhằm bảo vệ sức khỏe người dân?” - ông Trí hỏi.
Trả lời các đại biểu, Giám đốc Sở TN&MT TP Nguyễn Toàn Thắng cho biết vấn đề ô nhiễm môi trường phải được nhận diện và đánh giá hết sức chính xác.
Theo ông, trên địa bàn TP hiện có 327 điểm đặt trạm quan trắc thủ công. Ông cho rằng sở dĩ đặt trạm quan trắc thủ công vì trạm quan trắc tự động đang được ghi vốn và đầu tư, đến cuối năm 2019 sẽ đưa vào vận hành thử sáu trạm quan trắc tự động, trong dự kiến đầu tư hơn 58 trạm.
Các trạm quan trắc này hoạt động trên tất cả lĩnh vực như nguồn nước, không khí... để đưa ra thông số về môi trường.
“Người dân TP thông qua bảng thông tin điện tử (có 48 bảng thông tin giao thông) sẽ biết thông tin về chất lượng môi trường, giám sát và có thông tin phản ánh. Trên cơ sở đó cơ quan tham mưu sẽ đưa ra giải pháp để giải quyết” - ông Thắng nói và cho biết trên trang web của sở có đầy đủ thông tin về chỉ số.
Giám đốc Sở TN&MT TP Nguyễn Toàn Thắng trả lời chất vấn. Ảnh: HOÀNG GIANG
Ông Thắng khẳng định giải pháp tới đây của TP là sẽ bổ sung các trạm quan trắc tự động cho đầy đủ. Thời gian quan trắc liên tục và đảm bảo yêu cầu.
“Không vì chúng ta chưa có trạm quan trắc tự động mà chúng ta không quan trắc, kiểm soát tình hình ô nhiễm môi trường trên địa bàn” - ông Thắng nói và khẳng định cuối năm 2020, đầu năm 2021 sẽ có thêm 50 trạm quan trắc chất lượng môi trường.
“Một đô thị lớn chúng ta không thể buông lỏng việc quan trắc chất lượng môi trường. Vừa rồi chúng ta đưa ra hiện tượng mù quang hóa - gọi là hiện tượng ô nhiễm từ hoạt động giao thông, công nghiệp và xây dựng. TP Hà Nội và TP.HCM cũng báo cáo do ảnh hưởng của khí thải giao thông, công nghiệp, xây dựng gây ra ô nhiễm...” - ông Thắng nói và cho rằng một trong những giải pháp giảm ô nhiễm môi trường là cần hạn chế xả thải liên quan đến kiểm soát các phương tiện giao thông, trong đó có ô tô (800.000 ô tô trên địa bàn).
Ông Thắng còn cho biết hiện nay TP.HCM có khoảng 8 triệu xe máy, đây cũng là vấn đề cần phải được kiểm soát.
Mới đây Sở TN&MT đã có văn bản gửi UBND TP đề xuất tăng thời điểm quan trắc từ hai lần lên ba lần/ngày và quan trắc hằng ngày thay vì 10 ngày/tháng như trước đây.
Người dân có thể tiếp cận thông tin quan trắc hằng ngày trên website và ứng dụng điện thoại thông minh. Độ trễ của số liệu quan trắc là năm ngày. Các thông số được công bố gồm: Nồng độ các chất ô nhiễm (NO2, SO2, CO, bụi lơ lửng); mức ồn (từ 7 giờ 30 đến 8 giờ 30); bụi PM 10, PM 2.5 (trung bình 24 giờ liên tục); quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng không khí xung quanh...
Đây là giải pháp tạm thời được Sở TN&MT đề xuất trong thời gian chờ đầu tư trạm quan trắc không khí tự động, liên tục theo Luật Đầu tư công.
Theo kế hoạch, năm 2022 các trạm này mới có thể đi vào vận hành chính thức. TP.HCM đang triển khai quan trắc định kỳ bằng phương pháp thủ công gián đoạn tại 30 vị trí quan trắc (19 vị trí giao thông; ba vị trí môi trường nền, bốn vị trí ở khu dân cư, bốn vị trí ở khu công nghiệp).