Tính đến chiều 11-4, đoạn video quay cảnh nhân viên hãng bay United Airlines (Mỹ) lôi một nam hành khách người Mỹ gốc Việt ra khỏi một máy bay ở sân bay O’Hare tại Chicago tối 9-4 đã được hơn 120 triệu lượt xem trên mạng xã hội Weibo ở Trung Quốc.
Nam hành khách bị nhân viên United Airlines lôi ra khỏi máy bay là một bác sĩ người Mỹ gốc Việt 69 tuổi. Trước hành khách này đã có ba hành khách khác bị yêu cầu rời khỏi máy bay, để có bốn chỗ trống cho bốn nhân viên của hãng bay Republic Airline (Mỹ).
Hành khách này bị một số nhân viên United Airlines và nhân viên an ninh sân bay lôi từ ghế ngồi gần cửa sổ và kéo đi trên lối đi trong máy bay. Trong một số cảnh quay mặt ông còn có máu. Cảnh lôi kéo này do một hành khách khác quay lại bằng điện thoại di động và đưa lên mạng xã hội vào tối 9-4.
Cùng với tốc độ lan truyền chóng mặt của đoạn video là một làn sóng giận dữ khắp mạng xã hội Trung Quốc, cho rằng quyết định và hành động cưỡng bức hành khách Mỹ gốc Việt này ra khỏi máy bay của hãng United Airlines là “phân biệt chủng tộc”.
Trong số các cư dân mạng bày tỏ phẫn nộ có cả các nghệ sĩ Trung Quốc. Theo nghệ sĩ hài Joe Wong: “Nhiều người gốc Việt cảm thấy sự phân biệt đối xử nhưng không cất tiếng nói vì sợ mất mặt, kết quả là truyền thông và người phương Tây không suy nghĩ nghiêm túc về chuyện phân biệt đối xử với người gốc Á”.
Ảnh cắt từ video. Nguồn: YOUTUBE
Một chủ tài khoản Weibo khác giận dữ: “Một khi hãng bay đánh khách hàng, chúng tôi sẽ trừng phạt uy tín và thị phần hãng bay này khắp thế giới, tới chừng nào nghe được câu xin lỗi chân thành từ hãng bay này”.
Trên mạng xã hội Wechat xuất hiện rất nhiều bài báo về sự việc này kèm những dòng tít phẫn nộ như “vì chọn United Airlines, ông ấy bị đánh và lôi xuống máy bay, với máu trên mặt”.
Ảnh cắt từ video. Nguồn: YOUTUBE
Cùng với những bình luận này là lời kêu gọi tẩy chay hãng United Airlines, vốn vừa kỷ niệm 30 năm hoạt động ở Trung Quốc. Sự cố này có thể sẽ khiến United Airlines khó đạt được tham vọng trở thành hãng bay được lựa chọn hàng đầu ở Trung Quốc.
Không chỉ ở Trung Quốc, sự việc còn lan truyền rất nhanh trên truyền thông và gây nên làn sóng giận dữ trên các mạng xã hội ở Mỹ, như Twitter.
Giám đốc điều hành Oscar Munoz của United Airlines đã có thông cáo xin lỗi. Một nhân viên an ninh sân bay liên quan vụ việc đã bị đình chỉ công tác. Thường thì các hãng bay trước đó luôn cho phép đặt dư chỗ trên một chuyến bay, phòng khả năng hành khách đi không đủ. Khi có sự cố muốn hành khách đã đặt vé trước nhường chỗ, các hãng bay thường phải bồi thường gấp đôi nếu khách đi chuyến bay sau trễ từ 1-2 giờ và gấp tư nếu trễ hơn.