Trong khuôn viên rộng hơn 2 ha ở Trang trại Phú An tại thôn Định An, xã Hiệp An, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng nằm dưới chân núi Voi, bác sĩ thú y Phan Đắc Mậu Đại đang tỉ mỉ hướng dẫn công nhân tắm rửa, chăm sóc cho đàn voi của mình.
Bác sĩ thú y Phan Đắc Mậu Đại cho biết hiện tại ông đang chăm sóc 7 cá thể voi Châu Á, trong đó có hai cá thể voi đực, 5 cá thể voi cái.
Những con voi này được ông Đại thu gom từ nhiều nơi, trong đó có con anh mang về từ Công viên văn hóa Đầm Sen ở TP.HCM, có con anh mang về từ khu du lịch Thành Nội ở Thừa Thiên Huế.
Anh Đại cho biết, đa số những con voi này được mang về trong tình trạng bị bệnh, lở loét đầy người. Anh và nhân viên phải chăm sóc rất kỹ, chu đáo và mất một thời gian khá dài để những con voi này hồi phục.
Ở Việt Nam, để được nuôi và chăm sóc đàn voi, đòi hỏi nhiều điều kiện và quy định ngặt nghèo vì voi là động vật hoang dã quý hiếm, nhà nước cấm mọi hình thức mua bán. Vì vậy, người nuôi chỉ được sở hữu thông qua cho, tặng.
Hiện tại, 7 con voi của anh Đại đang phát triển khoẻ mạnh và bước đầu đã phục vụ du khách tham quan, trải nghiệm du lịch canh nông dưới chân núi Voi qua hình thức chiêm ngưỡng, chụp hình. Tuy nhiên, điều khiến anh Đại trăn trở nhất chính là việc nhân giống để bảo tồn và phát triển đàn voi quý hiếm này.
Ngoài đàn voi quý giá, hiện tại anh Đại cũng là người duy nhất nuôi nhốt thành công 2 con hổ Bengal giống Ấn Độ trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
Cùng PLO chiêm ngưỡng đàn voi quý của bác sĩ thú y Phan Đắc Mậu Đại dưới chân núi Voi:
Đàn voi quý có tuổi đời từ 26 tới 55, nặng 3,5 tới 5,5 tấn đang ăn cỏ dưới chân núi Voi. |
Để sở hữu đàn voi quý hiếm này, bác sĩ thú y Phan Đắc Mậu Đại rong ruổi khắp mọi miền đất nước như: Huế, Hải Dương, Quảng Ninh, huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk, TP Hồ Chí Minh để thuyết phục các tổ chức, cá nhân chuyển giao lại cho mình nuôi và chăm sóc. |
Mỗi tuần 2 lần đàn voi được ông Đại thả vào rừng dưới chân núi Voi để đi dạo, tìm kiếm thức ăn. |
Ngoài hàng loạt điều kiện cần thiết, ông Đại cho biết để chăm sóc được voi, đòi hỏi người nuôi và voi phải có tình cảm với nhau. |
Công nhân đang chăm sóc cho voi. |
Đàn voi của ông Đại là đàn voi thuần dưỡng được ghi nhận do một cá nhân sở hữu lớn nhất Việt Nam. |
Theo thống kê năm 2018, ở nước ta có 91 con voi nuôi thuần dưỡng. Riêng "thủ phủ voi" Đắk Lắk hiện cũng chỉ còn 45 con. |
Tỷ lệ sinh sản thành công của voi nhà rất thấp so với voi hoang dã. |
Ngoài đàn voi, bác sĩ thú y Phan Đắc Mậu Đại còn là người duy nhất ở tỉnh Lâm Đồng nuôi thành công 2 con hổ Bengal. |