Đài RT ngày 5-5 cho biết đảng chính trị cầm quyền của Thụy Điển đang chia rẽ về việc có nên gia nhập NATO (Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương) hay không vì cánh phụ nữ của đảng Dân chủ Xã hội kêu gọi nước này duy trì tính trung lập về mặt quân sự.
Trong cuộc phỏng vấn với tờ Stockhoom Svenske Dagbalet, Bộ trưởng Khí hậu và Môi trường Thụy Điển Annika Strandhall cho biết phe nữ của đảng phản đối việc gia nhập NATO.
“Phe này có lịch sử lâu dài trong việc đấu tranh về các vấn đề liên quan đến hòa bình, giải trừ quân bị, và tự do quân sự” - bà Strandhall, cũng là chủ tịch hội đồng liên bang của phe nữ, cho hay.
“Những thành viên trong hội đồng liên bang đã quyết định rằng Thụy Điển không nên gia nhập NATO và nên đứng ngoài tổ chức này” - bà nhấn mạnh.
Bình luận của bà Strandhall đánh dấu sự phản kháng chính trị lớn đầu tiên chống lại đề xuất Thụy Điển xin gia nhập NATO, được đưa ra ngay trước khi có đánh giá về chính sách an ninh của đất nước này vào ngày 13-5 tới.
Chính phủ liên minh dự kiến sẽ quyết định vấn đề này vào ngày 24-5, sau khi Bộ Ngoại giao công bố đánh giá về lập trường an ninh của Thụy Điển.
|
Quốc kỳ Thụy Điển (trái) và cờ NATO (phải). Ảnh: RT |
Một nhân vật quan trọng khác trong quốc hội Thụy Điển, lãnh đạo đảng Dân chủ Thụy Điển Jimmie Akesson cho biết vào tháng trước rằng ông sẽ khuyến nghị đảng đối lập cánh hữu ủng hộ việc gia nhập NATO nếu nước láng giềng Phần Lan cũng xin gia nhập liên minh.
Giống như hầu hết người dân Thụy Điển, ông Akesson từ lâu đã phản đối việc từ bỏ sự độc lập quân sự của nước này, song dư luận đã bắt đầu thay đổi nhanh chóng sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine hồi cuối tháng 2.
Một cuộc khảo sát do hãng nghiên cứu Novus thực hiện vào tháng trước cho thấy 51% người Thụy Điển ủng hộ việc gia nhập khối quân sự do Mỹ dẫn đầu, đây là lần đầu tiên đa số người tham gia cuộc thăm dò ủng hộ việc Thụy Điển gia nhập NATO.
Tương tự, một cuộc thăm dò của hãng truyền thông YLE cho thấy con số kỷ lục 62% người Phần Lan ủng hộ tư cách thành viên NATO, sau khi các thăm dò trước đây cho thấy hầu hết mọi người đều phản đối việc gia nhập khối quân sự này.
Thụy Điển có lịch sử trung lập về quân sự kéo dài suốt hai thế kỷ qua. Quốc gia này đã đứng ngoài các cuộc chiến tranh kể từ năm 1814. Giống Thụy Điển, Phần Lan cũng duy trì thái độ trung lập kể từ khi Thế chiến thứ 2 kết thúc.
Trước đó, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã cam kết sẽ nhanh chóng phê duyệt Thụy Điển và Phần Lan nếu hai nước này xin gia nhập liên minh. Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson vào tháng 4 cho biết một cuộc trưng cầu dân ý công khai về vấn đề này sẽ không cần thiết nếu quốc hội chấp thuận.