Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) ngày 1-1 cho biết tại phiên họp quan trọng của đảng Lao động Triều Tiên, Chủ tịch Kim Jong-un đã ra lệnh tăng tốc “theo cấp số nhân” nỗ lực chế tạo hàng loạt vũ khí hạt nhân chiến thuật, cũng như ra lệnh cho ngành công nghiệp quốc phòng chế tạo mẫu tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) thế hệ mới với khả năng tấn công phủ đầu thần tốc.
“Tình hình an ninh lúc này đòi hỏi nỗ lực củng cố sức mạnh quân sự áp đảo, nhằm bảo vệ chủ quyền, an ninh và lợi ích quốc gia cơ bản, đối phó với những động thái quân sự của Mỹ và những lực lượng thù địch khác nhắm vào Triều Tiên” - KCNA dẫn lời ông Kim cho hay. Ông Kim cũng đưa ra cáo buộc cứng rắn cho rằng Washington và Seoul thực hiện “âm mưu nhằm cô lập Triều Tiên”.
Theo Yonhap, dữ liệu từ các chuyên gia nước ngoài cho biết Triều Tiên có thể đang sở hữu 15-60 đầu đạn hạt nhân đang hoạt động tính đến cuối năm 2022.
Ngoài ra, Triều Tiên cùng ngày cũng đã bắn một tên lửa đạn đạo tầm ngắn, sau khi phóng ba tên lửa tương tự vào một ngày trước đó. Ông Kim cho biết các tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân và phóng đến bất cứ nơi nào ở Hàn Quốc.
Bán đảo Triều Tiên căng thẳng
Theo hãng thông tấn Yonhap, tình hình an ninh trên bán đảo Triều Tiên trong năm qua diễn biến hết sức lo ngại. Khu vực này nhiều lần bị đặt trong tình trạng căng thẳng với việc Triều Tiên gia tăng số lượng vụ phóng thử tên lửa và bắn đạn pháo, trong khi liên minh Mỹ - Hàn Quốc - Nhật cũng thường xuyên tiến hành các cuộc tập trận quy mô lớn.
Vụ phóng tên lửa đầu tiên của Triều Tiên năm 2022 diễn ra ngày 5-1 và tính đến tháng 12-2022 Triều Tiên đã phóng ít nhất 65 tên lửa đạn đạo. Đáng chú ý, căng thẳng khu vực còn bị đẩy cao ngay sau khi tàu sân bay của Mỹ USS Ronald Reagan tới Đông Á hồi cuối tháng 9-2022.
Chỉ trong vòng chưa đầy hai tuần từ cuối tháng 9 tới đầu tháng 10-2022, Triều Tiên thực hiện liên tiếp sáu vụ phóng tên lửa.
Ảnh một vụ phóng tên lửa của Triều Tiên hồi tháng 9-2022. Ảnh: KCNA |
Các vụ phóng của Triều Tiên trong năm qua đều có điểm đáng chú ý là mức độ hiện đại của tên lửa, quy mô các vụ phóng và vị trí rơi của tên lửa. Triều Tiên thường xuyên sử dụng tên lửa siêu thanh Hwasong-8 có thể di chuyển với tốc độ ít nhất gấp năm lần tốc độ âm thanh.
Ngoài ra, vào ngày 2-11-2022, Triều Tiên đã phóng thử ít nhất 23 tên lửa - được xem là số lượng tên lửa lớn nhất mà Triều Tiên phóng trong một ngày. Trong số các vụ phóng của Triều Tiên, có tên lửa đã rơi xuống cách bờ biển Hàn Quốc chưa đầy 60 km.
Năm 2022 cũng đánh dấu lần đầu tiên trong vòng năm năm gần nhất Triều Tiên phóng một tên lửa đạn đạo qua không phận Nhật vào ngày 4-10-2022. Ngoài ra, Triều Tiên còn thực hiện một số vụ pháo kích quy mô lớn vào biển Hoàng Hải và vùng biển phía đông.
Bình Nhưỡng luôn khẳng định các vụ phóng tên lửa và nã pháo là nhằm đáp trả các cuộc tập trận quân sự do Mỹ và đồng minh tiến hành. Trong các cuộc tập trận của liên minh này, đáng chú ý là cuộc tập trận Vigilant Storm hồi cuối tháng 10-2022 với khoảng 240 máy bay và hai tàu ngầm hạt nhân tham gia. Đây là tập trận không quân chung Mỹ - Hàn Quốc lớn nhất từ trước đến nay.
Gây sức ép cho Mỹ và đồng minh
Theo tờ South China Morning Post, giới chuyên gia nhận định bằng việc liên tục thử tên lửa song song với quyết định mở rộng kho vũ khí hạt nhân, Triều Tiên hy vọng có thể gửi thông điệp đến Washington và các đồng minh rằng các biện pháp trừng phạt không có tác dụng ngăn chặn tham vọng hạt nhân của Bình Nhưỡng và họ nên quay lại bàn đàm phán với nhiều nhượng bộ hơn.
Chuyên gia Lee Byong-chul thuộc Viện Nghiên cứu Viễn Đông ĐH Kyungnam (Hàn Quốc) cho rằng việc ông Kim yêu cầu mở rộng kho vũ khí hạt nhân trong năm mới, dù không nằm ngoài dự kiến đã làm dấy lên nguy cơ gia tăng căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, vì Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol sẽ không ngại đối đầu với Bình Nhưỡng.
“Ông Yoon có lợi về mặt chính trị khi có lập trường cứng rắn với Triều Tiên. Điều đó có thể giúp đảng của ông thu hút thêm phiếu bầu từ những người có quan điểm bảo thủ trước cuộc bầu cử Quốc hội vào đầu năm 2024” - ông Lee nói.
Thất bại của các cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên năm 2019 khiến Bình Nhưỡng tin chắc rằng “dù đảng nào nắm quyền ở Washington, Mỹ cũng không có ý định mặc cả với Triều Tiên” và “bảo đảm một lực lượng hạt nhân mạnh mẽ là giải pháp duy nhất để Triều Tiên chống lại sức ép và các mối đe dọa” - ông Lee cho hay.
Hiệu trưởng ĐH Nghiên cứu về Triều Tiên (Hàn Quốc) Yang Moo-jin cho rằng trước đây Triều Tiên có xu hướng tập trung gây sức ép lên Mỹ, bỏ qua Seoul và ủng hộ đối thoại trực tiếp với Washington. Tuy nhiên, ông Kim trong năm qua có vẻ tập trung hơn vào việc gây sức ép với Hàn Quốc và làm gia tăng căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên như một cách gián tiếp để buộc Mỹ hành động. Trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraine, chính quyền Mỹ hiện không có hứng thú với một vòng đàm phán mới với Triều Tiên. Chính quyền Seoul cũng vậy.
“Với việc Bình Nhưỡng từ chối ngoại giao và đe dọa sản xuất vũ khí hạt nhân hàng loạt, chính quyền Seoul có khả năng tăng cường hơn nữa khả năng phòng thủ và sự sẵn sàng của Hàn Quốc. Nếu Trung Quốc không muốn một cuộc chạy đua vũ trang giữa Hàn Quốc và Triều Tiên làm gia tăng bất ổn trong khu vực lân cận, họ sẽ phải làm nhiều hơn nữa để kiềm chế Bình Nhưỡng vào năm 2023” - chuyên gia Leif-Eric Easley thuộc ĐH Ewha Womans (Hàn Quốc) cho hay.•
Mỹ - Hàn Quốc bàn cách đối phó
Ngày 3-1, hãng tin Reuters cho biết các quan chức từ cả Mỹ và Hàn Quốc xác nhận hai nước đang thảo luận về việc lập và cùng thực hiện kế hoạch chung liên quan các hoạt động đối phó với Triều Tiên.
“Để đối phó với vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, Mỹ và Hàn Quốc đang thảo luận cách chia sẻ thông tin về hoạt động của các tài sản hạt nhân thuộc sở hữu của Mỹ, đồng thời cùng nhau lập và thực hiện các kế hoạch này” - Reuters dẫn lời thư ký báo chí của tổng thống Hàn Quốc Kim Eun-hye cho biết.
Một quan chức cấp cao trong chính quyền Tổng thống Joe Biden cũng thông tin là hai bên đang xem xét tăng cường chia sẻ thông tin, lập kế hoạch chung theo yêu cầu từ tổng thống hai nước sau cuộc gặp ở Campuchia hồi tháng 11-2022 để tìm cách giải quyết các mối đe dọa từ Triều Tiên.
Tuy nhiên, việc hai nước có tập trận hạt nhân trong tương lai hay không thì vẫn chưa rõ ràng. Theo Reuters, quan chức Mỹ nói trên lưu ý việc tổ chức các cuộc tập trận hạt nhân thường xuyên sẽ “cực kỳ khó khăn” vì Hàn Quốc không phải là một cường quốc hạt nhân.