Hải quân Trung Quốc (TQ) tăng cường các chuyến ghé thăm các cảng ở châu Phi như một phần trong chính sách ngoại giao quốc phòng ngày càng tăng của Bắc Kinh với lục địa này, theo tờ South China Morning Post.
Trung Quốc tăng cường các chuyến thăm cảng ở châu Phi
Sau một thời gian tạm dừng nhiều chuyến thăm cảng châu Phi do đại dịch COVID-19, quân đội TQ đang nối lại các hoạt động này nhằm củng cố quan hệ ngoại giao với các nước châu Phi.
Trong năm 2023, Hải quân TQ đã ghé thăm các cảng ở Nigeria, Gabon, Ghana, Congo-Brazzaville, Angola và Nam Phi.
Gần đây, Hạm đội hải quân số 45 của TQ, bao gồm tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường Urumqi, tàu khu trục tên lửa Linyi và tàu tiếp tế toàn diện Dongpinghu, đã đến thăm Madagascar trong tuần qua, sau chuyến thăm Tanzania và Mozambique vào tháng trước.
Vào ngày 23-3, nhóm tàu đến Dar es Salaam (Tanzania), dừng chân 5 ngày trước khi đến cảng Maputo ở Mozambique vào ngày 1-4.
Trước đó, hạm đội hải quân số 45 đã hoàn thành nhiệm vụ tuần tra chống cướp biển ở Vịnh Aden và vùng biển ngoài khơi Somalia.
Hiện tại, nhiệm vụ này do lực lượng đặc nhiệm hộ tống hải quân TQ số 46 thực hiện. Lực lượng này gồm tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường Type 052D Jiaozuo, tàu khu trục tên lửa Type 054A Xuchang và tàu tiếp tế Type 903A Honghu, với hơn 700 thành viên thủy thủ đoàn.
Theo đài truyền hình CCTV, đến cuối năm 2023, Hải quân TQ đã hộ tống hơn 7.200 tàu ở Vịnh Aden và vùng biển ngoài khơi Somalia trong hơn 1.600 nhiệm vụ.
Mục đích của các chuyến thăm
Ông David Shinn chuyên gia về TQ - châu Phi và là GS tại Trường Quan hệ Quốc tế Elliott thuộc ĐH George Washington (Mỹ) cho biết Hải quân TQ đang nối lại hoạt động mà họ đã thể chế hóa trước đại dịch. Theo đó, các tàu của TQ sẽ ghé thăm các cảng ở châu Phi và Ấn Độ Dương sau khi hoàn thành nhiệm vụ tuần tra chống cướp biển kéo dài ba hoặc bốn tháng ở Vịnh Aden.
“Các chuyến thăm mang lại ấn tượng tích cực cho cả TQ và các nước chủ nhà châu Phi”- ông Shinn nói.
Ông Shinn lưu ý rằng hầu hết các quốc gia ở châu Phi cũng hoan nghênh các chuyến thăm của tàu hải quân từ các quốc gia phương Tây nhằm thể hiện “sự không liên kết”.
Tuy nhiên, đối với TQ, chuyên gia Shinn cho rằng Bắc Kinh muốn củng cố mối quan hệ an ninh với các chính phủ và chính quyền các thành phố cảng ở châu Phi để có thể tiếp cận các cảng biển một cách nhanh chóng trong những lúc cần thiết.
Chuyên gia Paul Nantulyatại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược châu Phi của ĐH Quốc phòng Quốc gia (Mỹ) nhận định rằng chuyến thăm của hạm đội hải quân số 45 của TQ tới Tanzania và Mozambique “là một phần của việc mà tôi gọi là triển khai đa năng các lực lượng đặc nhiệm hải quân của quân đội TQ”.
Ngoài ra, theo ông Nantulya, các chuyến thăm thường xuyên của TQ tới các cảng châu Phi còn hỗ trợ cho các nhiệm vụ khác, chẳng hạn như di tản công dân ở Libya, Yemen và Sudan, các cuộc tập trận quân sự với các lực lượng châu Phi, cung cấp viện trợ nhân đạo và ngoại giao quốc phòng, như đã thấy trong các chuyến thăm gần đây đến Tanzania và Mozambique.
Ông Nantulya cho rằng: “Những chuyến ghé cảng này củng cố chính sách ngoại giao chiến lược của TQ, tăng cường quan hệ quân sự, thể hiện năng lực hải quân đang được cải thiện của TQ và tạo cơ hội cho tiếp thị các sản phẩm quốc phòng cho khách hàng châu Phi”. Ví dụ, Algeria đã mua tàu ngầm của TQ.
Ông Nantulya cho biết, một lợi ích khác đối với Hải quân TQ là kinh nghiệm tác chiến mà lực lượng này có được cũng như khả năng thử nghiệm và đưa vào sử dụng thiết bị mới.
“Tất cả khí tài TQ triển khai ở vùng biển châu Phi đều là mới hoặc đã được nâng cấp. Kinh nghiệm tác chiến là rất quan trọng" - ông Nantulya nói.
Trong khi đó, ông Francois Vrey - GS về khoa học quân sự và là điều phối viên nghiên cứu tại Viện An ninh Quản trị và Lãnh đạo ở châu Phi tại ĐH Stellenbosch (Nam Phi), các chuyến thăm của Hải quân TQ nhằm thể thiện chí và thể hiện sức mạnh quân sự.
Các nước châu Phi cũng có lợi
Ông Nantulya cho biết, các nước châu Phi phải chứng minh mối quan hệ chiến lược và ngoại giao với TQ, cho phép lực lượng của những nước này tiếp xúc với các học thuyết và hoạt động quân sự nước ngoài.
“Việc cho phép Hải quân TQ ghé thăm cảng giúp tăng cường đòn bẩy để các nước châu Phi đàm phán các hiệp định kinh tế với TQ" - ông Nantulya cho biết thêm.