“Đảng bộ TP.HCM đã giành được nhiều thắng lợi to lớn là nhờ luôn tin tưởng vào sức mạnh của nhân dân, sống trong lòng của dân, một lòng vì dân. Đảng bộ TP.HCM đã dựa vào sự che chở, đùm bọc của dân mà hoạt động bí mật, mà chiến đấu bằng niềm tin sắc son về cách mạng, về Đảng, về Bác Hồ kính yêu” - Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải đã phát biểu như thế tại lễ công bố sách Lịch sử Đảng bộ TP.HCM 1930-1975, do Thành ủy TP.HCM tổ chức sáng 29-4. Lễ công bố có sự tham dự của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang.
Bức tranh lịch sử chân thực
Theo Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải, công trình này là bức tranh lịch sử chân thực, sinh động về các giai đoạn với những mốc chuyển biến quan trọng của lịch sử Đảng bộ TP; về những cống hiến lớn lao, hy sinh oanh liệt của các đồng chí lãnh đạo chủ chốt, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Cùng đó là các phong trào đấu tranh cách mạng với nhiều hình thức phong phú cùng những sáng kiến, kinh nghiệm, thắng lợi cũng như những khuyết điểm, tổn thất, mất mát đau thương.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải trao tặng Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cuốn sách Lịch sử Đảng bộ TP.HCM 1930-1975. Ảnh: T.VŨ
Gợi nhắc lại giai đoạn 45 năm lịch sử hào hùng của Đảng bộ TP.HCM (1930-1975), ông Lê Thanh Hải nói: “Đảng bộ và nhân dân TP vô cùng tự hào về lịch sử giai đoạn 45 năm của mình (1930-1975), trong đó vai trò lãnh đạo cách mạng của Đảng là nhân tố quyết định trong cuộc chiến đấu vô cùng cam go, quyết liệt, hy sinh, gian khổ của nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định...”.
Để làm nên những thành quả to lớn, ông Lê Thanh Hải cũng nhìn nhận Đảng bộ TP.HCM giai đoạn 1930-1975 cũng đã trải qua những tổn thất hết sức nặng nề, nhất là trong và sau cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ (1940); thời kỳ 1955-1960; và sau hai đợt tấn công của ta vào mùa xuân Mậu Thân năm 1968. Vào những thời điểm đó, nhiều cơ sở Đảng bị tan vỡ, hàng ngàn cán bộ, đảng viên và quần chúng cách mạng bị giết, bị bắt, bị tù. “Tuy vậy phong trào chỉ tạm thời lắng xuống rồi sau đó lại bùng lên, sôi sục, mãnh liệt hơn và góp phần xứng đáng, mang lại những thắng lợi to lớn có ý nghĩa lịch sử” - ông Lê Thanh Hải nói.
Tri ân sự hy sinh vì độc lập, thống nhất
Lịch sử Đảng bộ TP.HCM 1930-1975 được biên soạn trong gần 10 năm với ban chỉ đạo gồm sáu người do ông Võ Trần Chí, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy, làm trưởng ban. Ban biên soạn gồm 10 người do ông Trần Trọng Tân, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM, làm chủ biên.
Bà Thân Thị Thư, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy, cho biết việc biên soạn tập sách Lịch sử Đảng bộ TP.HCM 1930-1975 hết sức khó khăn, vất vả. Trong sưu tầm tư liệu, phỏng vấn nhân chứng lịch sử, Ban biên soạn sách gặp nhiều thử thách lớn. Vì trong khoảng thời gian 1930-1975, tổ chức Đảng luôn hoạt động ngay trong lòng địch nên nguyên tắc bí mật được đặt lên hàng đầu, từng đồng chí, từng cơ quan, từng kế hoạch đều có bí danh, bí số, mật danh. Hơn nữa với nguyên tắc hoạt động đơn tuyến và sự khủng bố đàn áp của kẻ thù, nguồn tư liệu thành văn không nhiều, nhân chứng lịch sử người còn người mất… Hoàn cảnh chiến tranh, nhiều tài liệu lịch sử bị thất lạc, hư hỏng, đến nay vẫn chưa được sưu tầm một cách đầy đủ nhất, các nhân chứng lịch sử giai đoạn trước năm 1954 phần nhiều đã mất. Một số người do từng bị bắt bớ, tra tấn, tù đày nay tuổi cao sức yếu nên không chắc chắn một số sự kiện, con người… Do đó Ban biên soạn phải sưu tầm, đối chiếu từng nhân vật, từng sự kiện lịch sử để có thể tái hiện một cách trung thực, khách quan nhất.
Công trình Lịch sử Đảng bộ TP.HCM 1930-1975 là ấn phẩm không chỉ có giá trị cao về học thuật mà còn thể hiện lòng tri ân sâu nặng với biết bao thế hệ đồng bào, đồng chí, chiến sĩ đã hy sinh vì độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.
Bà thư cũng cho hay từ kết quả biên soạn sách Lịch sử Đảng bộ TP.HCM 1930-1975, Ban Thường vụ Thành ủy sẽ tiếp tục trình Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM về chủ trương tiếp tục nghiên cứu, biên soạn Lịch sử Đảng bộ TP.HCM giai đoạn từ sau năm 1975.
TRÀ GIANG
Đảng bộ và nhân dân TP đã góp phần xứng đáng, mang lại những thắng lợi to lớn có ý nghĩa lịch sử: Đó là, thắng lợi của cuộc khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 ở Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định đã góp phần cùng cả nước giành chính quyền về tay nhân dân. Đó là, Đảng bộ đã lãnh đạo tiến công địch liên tục về nhiều mặt trong thế ở đầu sóng ngọn gió, góp phần to lớn vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Đó là, hơn 20 năm xông pha trong bão táp của cuộc kháng chiến chống Mỹ ở ngay trung tâm sào huyệt của địch; Đảng bộ TP tiếp tục mở rộng và nâng cao thế trận lòng dân, nhiều căn cứ kháng chiến lớn nhỏ, căn cứ ở vùng ven ngoại thành, vùng lõm ngay trong nội đô… Đặc biệt căn cứ Củ Chi với hệ thống địa đạo hàng trăm kilômét tỏa rộng trong lòng đất - là một công trình đánh giặc độc đáo và vĩ đại của Việt Nam, đã trở thành biểu tượng của muôn triệu tấm lòng luôn hướng về cách mạng, luôn hướng về Đảng, quyết tâm bám trụ thực hiện cuộc kháng chiến. Bí thư Thành ủy TP.HCM LÊ THANH HẢI |