Đánh bạc gian lận ăn tiền tỉ, tội gì?

Ngày 16-4, TAND TP.HCM đã tuyên phạt các bị cáo Nguyễn Văn Kim, Lê Đình Bốn, Nguyễn Văn Đài và Vũ Hữu Xô cùng mức án bốn năm tù về tội đánh bạc và hai năm tù về tội cưỡng đoạt tài sản. Bốn bị cáo khác cũng bị tuyên phạt từ chín tháng tù treo đến ba năm tù cùng về tội đánh bạc.

Trước đó các bị cáo này bị VKS truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Dụ các đại gia vào tròng

Theo cáo trạng, tháng 11-2011, Kim từ Hải Phòng vào TP.HCM gặp Đài, Bốn, Xô bàn kế hoạch “săn” đại gia lấy tiền. Kim, Xô lấy danh nghĩa doanh nghiệp, sử dụng các xe sang để tìm kiếm đối tác. Biết ông V. là đại gia kinh doanh gỗ và trồng rừng, lại có máu đánh phỏm nên nhóm này tìm cách tiếp cận.

Ngày 21-12-2011, Xô gọi điện thoại cho ông V. giả vờ nhờ mua các lô đất tại Bình Phước để trồng cao su. Xô đi ô tô đến tận nhà ông V. ở Bình Phước, giục ông lên TP.HCM để gặp Kim bàn bạc. Ba ngày sau, ông V. theo Xô lên TP.HCM. Sau khi ăn uống no say, Xô chở ông V. về một căn nhà ở quận Bình Thạnh để gặp Kim.

Các bị cáo tại tòa. Ảnh: HY

Tại đây, nhóm dàn cảnh đang đánh bài phỏm. Sau đó, Kim giả vờ có việc cần đi ra ngoài để ông V. cầm bài. Lúc này, bộ bài đã bị tráo để sắp sẵn cho một người trong nhóm “ù”. Sau thời gian sát phạt, ông V. thua 450 triệu đồng. Ông không mang theo tiền mặt để chung nên bị ép ký giấy nợ. Ngày 2-1-2012, Xô và Đài đến một quán cà phê ở quận Bình Tân nhận 100 triệu đồng từ ông V. thì bị công an bắt giữ...

Với thủ đoạn này, các bị cáo đã móc túi bảy đại gia với số tiền 4,7 tỉ đồng, trong đó có người bị chiếm đoạt tới 2,7 tỉ đồng.

Tòa, viện bất nhất

Khi hồ sơ chuyển qua tòa, TAND TP đã trả hồ sơ yêu cầu VKS điều tra bổ sung. Theo tòa, viện truy tố các bị cáo về tội lừa đảo là không đúng. Bởi lẽ dấu hiệu bắt buộc của tội lừa đảo phải là (người nào) có thủ đoạn gian dối làm người khác tưởng giả là thật, giao tài sản cho chiếm đoạt. Còn vụ này chính các bị cáo lẫn các nạn nhân (theo viện xác định) đều tham gia đánh bạc.

Tuy nhiên, VKS vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố và tiếp tục chuyển hồ sơ qua tòa. Tháng 4-2014, tòa lại trả hồ sơ lần nữa để xác định lại tội danh và người phạm tội lần trước. Theo tòa, việc xác định những người tham gia đánh bạc (các đại gia) là những người bị hại là không phù hợp với Điều 51 BLTTHS. Thực tế những người bị hại cùng tham gia đánh bạc, thua tiền với giá trị lớn. Họ xác định thua bạc và tự nguyện chung chi cho những người thắng bạc.

Cuối cùng, cơ quan điều tra và VKS vẫn giữ nguyên quan điểm đây là tội lừa đảo.

Các đại gia vô can?

Tại phiên tòa, các luật sư tranh cãi quyết liệt với VKS về tội danh. Theo luật sư, kết luận điều tra cho rằng tất cả đều tự nguyện tham gia đánh bạc, vậy người thua bạc có được xem là bị hại hay không. các luật sư cho rằng hành vi của các bị cáo không đủ yếu tố cấu thành tội lừa đảo.

HĐXX đồng tình với luật sư là các “nạn nhân” sát phạt nhiều giờ liên tục với các bị cáo dẫn đến thua bạc và tự nguyện trả. Các bị cáo có câu kết gian dối từ đầu nhưng chưa chiếm đoạt của các “nạn nhân”. Việc gian dối ở đây đã chuyển thành tội đánh bạc, viện truy tố tội lừa đảo là không chính xác.

Từ đó, tòa chuyển tội danh và xử các bị cáo hai tội đánh bạc và cưỡng đoạt tài sản với các mức án nêu trên.

Vấn đề đặt ra là nếu các bị cáo phạm tội đánh bạc thì các đại gia tham gia đánh bạc chẳng lẽ vô can khi số tiền đánh bạc có giá trị đặc biệt lớn? Theo HĐXX, tòa đã trả hồ sơ nhiều lần để làm rõ nhưng VKS vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố, do giới hạn phạm vi xét xử nên tòa không đề cập.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm