Dành điều kiện tốt nhất cho học tập

Sáng 4-9, tiếng trống khai giảng năm học mới đã vang rộn ở nhiều địa phương. Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã đến dự khai giảng tại Trường THPT Chu Văn An và THCS Thăng Long, Hà Nội.

Tại Trường THPT Chu Văn An, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh nhấn mạnh ngành giáo dục cần chú trọng việc dạy chữ, dạy người; các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức, ban, ngành, đoàn thể các cấp và các bậc cha mẹ học sinh tiếp tục quan tâm và chăm lo hơn nữa sự nghiệp giáo dục, dành những điều kiện tốt hơn, đầy đủ hơn cho việc học tập, rèn luyện và phấn đấu của con em để giáo dục thực sự trở thành quốc sách hàng đầu.

Phát biểu căn dặn học sinh Trường THCS Thăng Long nhân năm học mới, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nói: “Đất nước ta đã trải qua nhiều năm chiến tranh, chiến tranh đã kéo lùi sự phát triển của đất nước và hơn 30 năm qua chúng ta đã cố gắng để khôi phục đất nước, đã vượt qua được thời kỳ khó khăn nhất, đạt được những thành tựu đáng tự hào. Nhưng đất nước còn nghèo, vì thế tôi mong muốn các cháu hãy học tập thật tốt cho mình, cho gia đình và học để tiếp tục dựng xây đất nước...”.

Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh với thầy trò trường THPT Chu Văn An. Ảnh: TTXVN

Cũng trong hôm qua, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã về dự khai giảng tại Trường THPT chuyên Quang Trung (Bình Phước). Phó Thủ tướng cho rằng trường chuyên không chỉ là nơi đào tạo năng khiếu về chuyên môn, mà quan trọng hơn là nơi đào tạo nguồn nhân lực, nhân tài. Do đó, vấn đề mở rộng mạng lưới trường chuyên, đầu tư cơ sở, trang thiết bị, vật chất cho trường chuyên tại các địa phương là hết sức cần thiết.

Nhân dịp này, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã tặng nhà trường một giàn máy vi tính, 10.000 cuốn vở và 25 chiếc xe đạp cho học sinh nghèo học giỏi.

Nhân dịp khai giảng năm học mới, ông Huỳnh Công Minh, Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, cho biết ngành giáo dục TP sẽ thanh tra việc thu học phí và các khoản thu khác của từng trường để chống lạm thu. Các trường không được phép thành lập hội phụ huynh, mà thay vào đó là ban đại diện cha mẹ học sinh. Theo đó, ban đại diện này độc lập với nhà trường. Ban giám hiệu, giáo viên không được can thiệp, chi phối đến tài chính của cha mẹ học sinh đóng góp trên tinh thần tự nguyện. Ban đại diện cha mẹ học sinh sẽ giải quyết các vấn đề dựa trên ý kiến, nguyện vọng của phụ huynh.

Tại tỉnh An Giang, hơn 700 trường học các cấp đóng tại địa bàn đồng loạt tổ chức khai giảng. Tuy nhiên, ông Lý Thanh Tú, Chánh văn phòng Sở GD&ĐT An Giang, cho biết ngày lễ khai giảng chỉ là tượng trưng bởi với đặc điểm là vùng sông nước nên học sinh An Giang đã học chính thức từ đầu tháng 8. Tỉnh phải làm như vậy mới không làm ảnh hưởng đến chương trình học của các em nếu khi gặp lũ phải nghỉ học.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận:

Phải chấm dứt các hiện tượng tiêu cực trong ngành

Năm học này ngành sẽ tập trung vào các nhiệm vụ: Nâng cao chất lượng dạy chữ; từng bước phát triển dạy nghề ở nơi thuận lợi; đặc biệt chú trọng việc dạy làm người, nâng cao kỹ năng sống, giúp học sinh có ý thức, biết tự chịu trách nhiệm, tự bảo vệ mình trước cái xấu, trước những cám dỗ và hành vi không lành mạnh. Toàn ngành nỗ lực thực hiện tốt các nhiệm vụ đã đặt ra nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục. Những hiện tượng không lành mạnh, không đúng với bản chất của nền giáo dục phải ngay lập tức đấu tranh để chấm dứt. Ví dụ như tình trạng học thêm tràn lan. Phải tăng cường hơn nữa việc giám sát sử dụng các khoản thu. Đề nghị các cơ quan công luận tuyên truyền rộng rãi để các phụ huynh thống nhất hành động vì mục tiêu chung cao nhất là môi trường giáo dục lành mạnh cho con em chúng ta.

Toàn ngành đã tổ chức tập huấn cho giáo viên chuyên đề giáo dục kỹ năng sống, dạy tích hợp với các môn học văn hóa thông qua các hoạt động ngoại khóa trong và ngoài nhà trường. Đồng thời sẽ tích cực triển khai công tác kiểm định chất lượng giáo dục ở tất cả bậc học.

Kon Tum: Khai giảng trên những cây cầu qua sông Pô Kô

Sáng qua, hàng ngàn học sinh các dân tộc trên địa bàn huyện Ngọc Hồi đã tham dự lễ khai giảng năm học mới trong niềm phấn khởi, nhất là các địa điểm cầu đã bị lũ cuốn trôi, người dân và học sinh phải đu mình trên dây cáp để qua sông Pô Kô. Cô giáo Trần Thị Duyên, Trường Tiểu học Đăk Nông, cho biết: Các em học sinh bên kia sông đến trường trên những cây cầu mới, an toàn không phải đu mình trên dây cáp nữa, ai cũng vui và yên tâm.

NHÓM PV

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới