Ban đại diện cha mẹ học sinh cần tránh lạm thu

(PLO)- Nhiều bạn đọc cho rằng việc vẫn giữ ban đại diện cha mẹ học sinh là cần thiết nhưng khi hoạt động thì cần hạn chế “vẽ” thêm nhiều khoản chi để tránh tình trạng lạm thu.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Nam

Trong tuần qua, thông tin về đề nghị xóa bỏ ban đại diện cha mẹ học sinh (CMHS) tại các trường phổ thông để tránh tình trạng lạm thu đã nhận được sự quan tâm của bạn đọc.

Sau đó, tại họp báo tình hình kinh tế - xã hội TP.HCM, Sở GD&ĐT TP.HCM đã có phản hồi ý kiến đề xuất trên. Sở GD&ĐT TP.HCM cho rằng hoạt động của ban đại diện CMHS là cần thiết, nhất là trong công tác phối hợp với nhà trường giáo dục toàn diện học sinh.

Nhiều ý kiến ủng hộ việc duy trì hoạt động của ban đại diện CMHS. Tuy nhiên, khi hoạt động, ban đại diện CMHS cần xem xét từng điều kiện kinh tế của gia đình học sinh mà đưa ra những khoản thu, chi cho phù hợp.

Có ban đại diện cha mẹ học sinh là cần thiết

Chị Thanh Hiền (ngụ quận Gò Vấp) cho biết chị có hai con, một đứa đang học cấp một và một đứa học cấp hai. Chị cho rằng thời gian qua những hoạt động của ban đại diện CMHS lớp đã giúp các con chị được chăm lo tốt hơn, tạo cho các con có môi trường học tập vui vẻ, có nhiều kỷ niệm đẹp thông qua các hoạt động trong lớp.

“Người tham gia Ban đại diện CMHS mất rất nhiều thời gian, phải là những người nhiệt tâm nhiệt tình lắm mới làm được. Như lớp của con tôi, ban đại diện phải làm tất cả mọi việc, từ chuyện lo thu chi để phục vụ cho hoạt động học tập, vui chơi của các con; đến việc đại diện lớp hỏi thăm, chia sẻ với các em khó khăn trong lớp,…

Theo tôi, ban đại diện này là cầu nối giữa học sinh và nhà trường hiệu quả nhất. Để con trẻ mỗi ngày đến trường là một ngày vui thì rất cần sự chung tay của ban đại diện CMHS. Bởi họ là những người gắn kết giữa các phụ huynh với nhau, giữa phụ huynh, cô giáo và nhà trường” - chị Hiền chia sẻ.

ban-dai-dien-chamehocinh.jpg
Học sinh Trường Tiểu học Lê Văn Thọ, quận Gò Vấp trong một tiết học. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Anh TNH (ngụ quận Tân Phú) kể anh có tham gia ban đại diện CMHS của lớp 6 nơi con tôi theo học. Công việc này giống như “làm dâu trăm họ”, suốt ngày “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”. Làm được một thời gian, anh xin rút vì xảy ra mâu thuẫn trong chuyện thu và chi quỹ lớp. Nhiều người đánh giá ban đại diện CMHS không nói lên tiếng nói của học sinh và phụ huynh chỉ là kênh truyền đạt ý kiến của thầy cô, nhà trường.

“Biết là khổ nhưng vì các con nên phải cố làm thôi. Có những chuyện mà nếu thầy cô trực tiếp trao đổi với từng phụ huynh thì sẽ không hay; còn nếu thông qua ban đại diện thì sẽ khách quan và đạt hiệu quả hơn. Trong các cuộc họp, ban đại diện cũng có những phản biện, góp ý với thầy cô và nhà trường để giúp các hoạt động của lớp hiệu quả hơn” - anh H nêu.

Ban đại diện hạn chế ‘vẽ’ thêm nhiều khoản chi

“Nhiều người mang ấn tượng rằng ban đại diện CMHS luôn vẽ ra những khoản thu, chi để yêu cầu phụ huynh đóng thêm quỹ. Tôi lấy ví dụ lớp con tôi hàng năm phải góp quỹ khoảng 60 triệu đồng để chi tiêu cho các hoạt động trong lớp như: vệ sinh máy lạnh, tặng quà cho các thầy cô, tổ chức liên hoan... Đối với những gia đình khó khăn thì khoản thu này là số tiền quá lớn. Tôi mong ban đại diện CMHS cân nhắc các khoản cho hợp lý, tránh tình trạng lạm thu mà ảnh hưởng không tốt đến hình ảnh của ban đại diện” - chị Thu Hà (ngụ huyện Bình Chánh) nêu ý kiến.

Anh VP (ngụ tại quận 12) cũng chia sẻ: “Ở một số nơi, tôi thấy có những phụ huynh có điều kiện kinh tế tốt, khi tham gia ban đại diện CMHS thì "vẽ" ra các khoản mua sắm, quà cáp cho thầy cô, tổ chức sinh nhật... Khi những phụ huynh khác không có điều kiện phản đối thì mâu thuẫn xảy ra. Tôi cho rằng những việc như thế này cần nên loại bỏ để ban đại diện CMHS hoạt động đúng với ý nghĩa là phối hợp với nhà trường vì lợi ích tốt nhất của các con trong học tập và rèn luyện”.

Nhiệm vụ, quyền hạn của ban đại diện CMHS lớp

Ban đại diện CMHS lớp có nhiệm vụ phối hợp với giáo viên chủ nhiệm lớp và các giáo viên bộ môn tổ chức các hoạt động giáo dục học sinh;

Phối hợp với giáo viên chủ nhiệm lớp chuẩn bị nội dung của các cuộc họp cha mẹ học sinh trong năm học;

Tham gia giáo dục đạo đức cho học sinh; bồi dưỡng, khuyến khích học sinh giỏi, giúp đỡ học sinh yếu kém, vận động học sinh đã bỏ học trở lại tiếp tục học tập; giúp đỡ học sinh nghèo, học sinh khuyết tật và học sinh có hoàn cảnh khó khăn khác.

Về quyền hạn của ban đại diện CMHS lớp là quyết định triệu tập các cuộc họp cha mẹ học sinh theo quy định (trừ cuộc họp đầu năm học cử Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp) sau khi thống nhất với giáo viên chủ nhiệm lớp;

Tổ chức lấy ý kiến cha mẹ học sinh của lớp về biện pháp quản lý giáo dục học sinh để kiến nghị cụ thể với giáo viên chủ nhiệm lớp, giáo viên bộ môn về biện pháp nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức, chất lượng dạy học;

Phối hợp tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, giáo dục truyền thống, hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể thao để thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện cho học sinh sau khi thống nhất với giáo viên chủ nhiệm lớp.

(Điều 4 Thông tư 55/2011 của Bộ GD&ĐT)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm