‘Chảo lửa’ Trung Đông khó lường, quốc tế sốt ruột

(PLO)- Tình hình khu vực Trung Đông ngày càng căng thẳng dẫn tới nhiều nước bắt đầu kế hoạch di dời công dân của mình khỏi nơi này.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Nam

Tình hình căng thẳng ở khu vực Trung Đông ngày càng khó lường khi giao tranh giữa Israel và các lực lượng vũ trang được Iran hậu thuẫn vẫn tiếp diễn. Trong bối cảnh thế giới lo ngại về một cuộc tấn công trả đũa của Israel vào Iran có thể châm ngòi một cuộc chiến toàn diện, nhiều nước đã bắt đầu kế hoạch sơ tán công dân ra khỏi khu vực.

Trung Đông ngày thêm nóng

Tờ The New York Times dẫn lời 3 quan chức Israel rằng trong đêm 3-10 Israel đã không kích vào boong-ke gần thủ đô Beirut (Lebanon), nơi đang tổ chức một cuộc họp của giới lãnh đạo cấp cao Hezbollah, trong đó có ông Hashem Safieddine - người được cho là sẽ kế nhiệm lãnh đạo Hassan Nasrallah - người vừa bị ám sát vào tuần trước. Hiện vẫn chưa rõ liệu ông Safieddine có bị thương trong cuộc không kích của Israel hay không. Lực lượng Israel hiện chưa đưa ra bình luận gì về cuộc không kích này

khu vực Trung Đông
Khói và lửa bốc lên trên vùng ngoại ô phía nam Beirut (Lebanon) sau một cuộc không kích hôm 3-10. Ảnh: REUTERS

Ngày 3-10, lực lượng Israel nói đã tấn công vào trụ sở tình báo của Hezbollah tại thủ đô Lebanon, trong khi Israel cáo buộc Hezbollah đã nã khoảng 230 quả đạn từ Lebanon vào lãnh thổ Israel. Bộ Y tế Lebanon cho biết 37 người thiệt mạng và 151 người bị thương trong các cuộc tấn công của Israel trên khắp Lebanon trong ngày 3-10.

Trong khi đó, Hezbollah cho biết đã đẩy lùi một số hoạt động trên bộ của lực lượng Israel ở miền nam Lebanon, bao gồm phục kích và trong các cuộc đụng độ trực tiếp. Nhóm này cho biết họ đã hạ 17 quân nhân Israel vào ngày 3-10.

Tại Gaza, quân đội Israel mở nhiều cuộc không kích vào ngày 3-10. Các quan chức y tế địa phương đã báo cáo rằng gần 100 người đã thiệt mạng trong 24 giờ qua. Đây là số người thiệt mạng hàng ngày cao nhất trong 3 tháng qua. Tại Bờ Tây, máy bay chiến đấu của Israel không kích ở Tulkarm và giới chức y tế Palestine cho biết ít nhất 18 người đã thiệt mạng. Israel cho biết thủ lĩnh cấp cao của Hamas tại Bờ Tây - ông Zahi Yaser Abd al-Razeq Oufi đã thiệt mạng trong đợt tấn công này.

Các động thái quân sự trên diễn ra trong bối cảnh thế giới đang lo ngại về khả năng Israel trả đũa Iran sau cuộc tấn công tên lửa, có thể dẫn tới một cuộc chiến toàn diện tại Trung Đông. Ngày 3-10, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết Mỹ đang thảo luận với Israel về phương án tấn công vào các cơ sở dầu mỏ của Iran.

Trung Đông đang ở trong thời điểm nguy hiểm… Nguy hiểm nhất là các nỗ lực xây dựng lại sự răn đe phần lớn chỉ giới hạn ở việc sử dụng vũ lực. Mỗi bên leo thang quân sự để răn đe bên kia. Không đáp trả bằng vũ lực đối với một hành động hung hăng có thể dẫn đến sự khiêu khích lớn hơn, và ngược lại, đáp trả bằng vũ lực có thể gây ra sự leo thang hơn nữa. Trong cả hai trường hợp, bạo lực có nhiều khả năng gia tăng không kiểm soát được, theo tờ Foreign Affairs.

Nhiều nước sơ tán công dân

Trước tình hình căng thẳng ở Trung Đông, nhóm các nền kinh tế hàng đầu thế giới (G7) ra tuyên bố hôm 3-10 tái khẳng định mối quan ngại sâu sắc về cuộc khủng hoảng ở Trung Đông và kêu gọi các bên trong khu vực "hành động có trách nhiệm" và kiềm chế, đồng thời nhắc lại sự ủng hộ của nhóm đối với nền an ninh của Israel, theo hãng tin Reuters.

“Một chu kỳ nguy hiểm của các cuộc tấn công và trả đũa có nguy cơ thúc đẩy sự leo thang không thể kiểm soát ở Trung Đông, điều này không có lợi cho bất kỳ ai. Do đó, chúng tôi kêu gọi tất cả các bên trong khu vực hành động có trách nhiệm và kiềm chế" - theo tuyên bố của G7.

di dời Lebanon.jpg
Tình hình khu vực Trung Đông ngày càng căng thẳng dẫn tới nhiều nước bắt đầu kế hoạch di dời công dân của mình khỏi nơi này. Ảnh: REUTERS

Nhiều quốc gia đang gấp rút lên kế hoạch hoặc tiến hành các hoạt động đưa công dân nước mình rời khỏi Trung Đông do tình hình ngày một căng thẳng ở đây. Ngày 4-10, Bộ Quốc phòng Nhật cho biết 2 máy bay của Lực lượng Phòng vệ trên không của nước này đã đến Jordan để có thể sơ tán công dân Nhật khỏi Lebanon, theo hãng thông tấn Kyodo News.

Ngày 3-10, Đại sứ Nga tại Israel - ông Anatoly Viktorov lo ngại về tình hình leo thang căng thẳng ở Trung Đông, khuyến cáo công dân Nga hiện đang ở Israel "nên cân nhắc việc rời khỏi Israel... dưới hình thức các chuyến bay thường lệ do một số hãng hàng không khai thác", theo hãng thông tấn TASS. Ông Viktorov cũng kêu gọi công dân Nga cân nhắc "rủi ro đối với tính mạng và sức khỏe" trước khi đưa ra quyết định về việc đi du lịch đến Israel.

Cùng ngày, một chiếc máy bay Il-76 của Bộ Tình trạng Khẩn cấp Nga đã sơ tán 60 công dân Nga khỏi Lebanon. Đại sứ quán Nga tại Iran hôm 2-10 cũng đã cảnh báo công dân Nga không nên đi du lịch đến Iran cho đến khi tình hình trở lại bình thường, theo TASS.

Ông Trương Dương - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết tổng cộng có 215 công dân Trung Quốc đã được sơ tán khỏi Lebanon an toàn tính đến ngày 3-10, theo tờ China Daily. Hôm 3-10, Tây Ban Nha cũng đã sơ tán 204 công dân ở Lebanon bằng đường hàng không và dự kiến sẽ sơ tán thêm 40 người. Bộ trưởng Quốc phòng Tây Ban Nha Margarita Robles cho biết nước này có thể sẽ gửi thêm máy bay để tiếp tục quá trình di tản, có thể bao gồm công dân từ các quốc gia khác.

Hồi đầu tuần, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cho biết nước này đã sẵn sàng sơ tán khoảng 14.000 công dân Thổ Nhĩ Kỳ khỏi Lebanon bằng đường hàng không và đường biển, và đang làm việc với khoảng 20 quốc gia để có thể sơ tán công dân các nước khác qua Thổ Nhĩ Kỳ. Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết hôm 1-10 rằng Mỹ đã ra lệnh triển khai hàng chục binh lính đến CH Síp để chuẩn bị cho các tình huống sơ tán công dân Mỹ khỏi Lebanon. Bộ ngoại giao Mỹ cũng đang làm việc với các hãng hàng không để tăng thêm chỗ ngồi dành cho công dân Mỹ trên các chuyến bay rời khỏi Lebanon.

Ngày 2-10, Văn phòng tổng thống Hàn Quốc cho biết Tổng thống Yoon Suk Yeol đã ra lệnh triển khai ngay lập tức máy bay quân sự để sơ tán công dân nước này khỏi Israel và các khu vực khác ở Trung Đông trong bối cảnh căng thẳng leo thang, theo Reuters. Chính phủ Brazil cũng đã gửi một chiếc Airbus A330 của Không quân Brazil để sơ tán công dân nước này muốn rời khỏi Lebanon, cho biết 3.000 người Brazil muốn được hồi hương. Mỗi tuần sẽ có 2 chuyến bay sơ tán công dân Brazil tại Beirut (Lebanon) bắt đầu từ ngày 4-10.

IMF: Leo thang xung đột ở Trung Đông gây ra những rủi ro kinh tế đáng kể

Ngày 3-10, người phát ngôn Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Julie Kozack cảnh báo rằng sự leo thang xung đột ở Trung Đông có thể gây ra những hậu quả kinh tế đáng kể cho khu vực và nền kinh tế toàn cầu, theo Reuters. Bà Kozack cho biết IMF đang theo dõi chặt chẽ tình hình ở miền nam Lebanon với "mối quan ngại sâu sắc" và gửi lời chia buồn về sự mất mát về sinh mạng.

Bà Kozack nói rằng vẫn còn quá sớm để dự đoán những tác động cụ thể đến nền kinh tế toàn cầu, nhưng lưu ý rằng nền kinh tế trong khu vực đã phải chịu thiệt hại rất lớn, đặc biệt là ở Gaza - nơi dân thường "phải đối mặt điều kiện kinh tế xã hội tồi tệ, khủng hoảng nhân đạo và thiếu viện trợ". Còn tại Lebanon, sự gia tăng gần đây của cuộc xung đột đang làm trầm trọng thêm tình hình kinh tế vĩ mô và xã hội của nước này.

IMF ước tính GDP của Gaza đã giảm 86% trong nửa đầu năm 2024, trong khi GDP nửa đầu năm của Bờ Tây có khả năng giảm 25%, với triển vọng xấu hơn.

Bà Kozack cho biết các nguyên nhân chính khiến xung đột ở khu vực Trung Đông tác động đến nền kinh tế toàn cầu là thông qua giá hàng hóa cao hơn, bao gồm dầu và ngũ cốc, cũng như chi phí vận chuyển tăng do các tàu lo ngại cuộc tấn công tên lửa của lực lượng Houthis ở Biển Đỏ. Tuy nhiên, giá hàng hóa hiện đang thấp hơn mức đỉnh điểm trong năm qua.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm