Đánh giá xung đột Nga - Ukraine trong năm sau

(PLO)- Xung đột Nga - Ukraine vẫn sẽ tiếp tục với cường độ cao khi hai bên không muốn đàm phán. Kiev gặp rủi ro về viện trợ do biến động chính trị từ phương Tây.

Trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraine chuẩn bị kéo sang năm 2024, giới quan sát kỳ vọng chiến sự sẽ tiếp tục căng thẳng với hai phe chờ đợi mùa xuân tới để mở các chiến dịch tiến công mới. Cả Ukraine và Nga đều không phát tín hiệu muốn giải quyết mâu thuẫn bằng biện pháp ngoại giao, trong khi diễn biến chính trị ở Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ trong năm tới sẽ có yếu tố quyết định sâu sắc tới khả năng tiếp tục tham chiến của Ukraine.

Ukraine, Nga quyết tâm kéo dài cuộc chiến

Theo tờ The Hill, Tổng thống Vladimir Putin trong thông điệp cuối năm phát biểu hồi tuần trước xác nhận Nga tới nay đã triển khai khoảng 617.000 binh sĩ đến chiến trường Ukraine, trong đó 300.000 người được huy động theo lệnh động viên một phần cuối năm ngoái. Khoảng 244.000 binh sĩ hiện đang đóng quân tại các vùng lãnh thổ Ukraine do Nga kiểm soát. Tình báo phương Tây cũng ước tính con số thương vong ở Nga đã vượt mốc 300.000 người.

Bất chấp những tổn thất như vậy, Nga chưa có dấu hiệu muốn chấm dứt chiến dịch tại Ukraine. Ông Putin tuyên bố hòa bình ở Ukraine chỉ đến khi Nga đạt được mục tiêu của mình là “phi phát xít hóa, phi quân sự hóa và đảm bảo tình trạng trung lập của Ukraine”, điều Kiev kiên quyết bác bỏ.

Binh sĩ Ukraine huấn luyện với xe tăng tại một căn cứ không xác định ở Ukraine vào ngày 6-12. Ảnh: AP

Chính quyền Moscow cũng đã bố trí ngân sách để chuẩn bị cho một “cuộc chiến lâu dài ở Ukraine”. Bộ Tài chính Nga cho biết ngân sách quốc phòng của nước này năm 2024 là hơn 111 tỉ USD, khoảng 6% GDP Nga và tăng 68% so với chi tiêu quân sự năm 2023.

Về phía Ukraine, Tổng thống Volodymyr Zelensky hồi tháng 11 đã tuyên bố quân đội nước này sẽ tiến hành một đợt phản công vào cuối năm 2023, đầu năm 2024. Ông khẳng định các cấp chỉ huy đã lên kế hoạch rõ ràng, đầy đủ và chi tiết. “Chúng tôi biết rõ mục tiêu của mình là gì và chúng tôi sẽ tiến công từ hướng nào. Chúng tôi sẽ cố gắng thu được kết quả trong năm nay và có kế hoạch cho năm sau nhưng tôi không thể tiết lộ thêm chi tiết” - ông Zelensky nói, theo hãng tin Reuters.

Một nguồn tin khác đến từ cựu Giám đốc Quỹ Konrad Adenauer (Đức) Nico Lange cho rằng Ukraine đang có dấu hiệu tập trung lượng lớn binh sĩ và khí tài - trong đó có nhiều chiến đấu cơ, trực thăng và oanh tạc cơ để chuẩn bị cho một chiến dịch phản công mới vào năm sau, mục tiêu tiến công có thể là bờ tây sông Dnepr ở vùng Kherson.

Việc tập trung nguồn lực không quân kết hợp với máy bay không người lái hỗ trợ được đánh giá là chìa khóa để bộ binh Ukraine được bảo vệ đầy đủ, chưa kể Nga vẫn chưa có lớp phòng thủ nào ở bờ tây Kherson. Đây được kỳ vọng sẽ là cuộc phản công mà giới lãnh đạo Ukraine mong chờ vào mùa hè những đã gặp thất bại vì quá thiếu vũ trang và không được không quân hỗ trợ.

Tờ Bild (Đức) dẫn các nguồn tin tình báo cho biết Nga đang xây dựng một kế hoạch tác chiến trung hạn mới, nhằm mở rộng chiến dịch quân sự ở Ukraine thêm 36 tháng với mục tiêu kiểm soát các tỉnh Donetsk và Luhansk cũng như một phần tỉnh Kharkov, kéo dài đến sông Oskil.

Phương Tây nỗ lực củng cố đoàn kết trong viện trợ Ukraine

Mọi chiến dịch quân sự của Ukraine đều sẽ không thể diễn ra nếu thiếu sự hỗ trợ tài chính từ Mỹ và đồng minh. Tuy nhiên, trong nhiều tháng qua đã xuất hiện nhiều dấu hiệu đáng lo ngại cho Ukraine khi liên minh phương Tây ủng hộ Ukraine bắt đầu rạn nứt.

Lần đầu tiên kể từ khi xung đột nổ ra, viện trợ cho Ukraine đã bị chặn lại tại Quốc hội Mỹ khi một nhóm nghị sĩ Cộng hòa tại Hạ viện kiên quyết phản đối viện trợ cho Kiev, yêu cầu chính quyền Tổng thống Joe Biden tăng ngân sách siết chặt biên giới phía nam của Mỹ.

Ở châu Âu, đảng Cấp tiến Slovakia có quan điểm thân Nga đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Quốc hội hồi tháng 9 và tuyên bố sẽ ngừng gửi viện trợ tới Ukraine. Đảng Tự do với đường lối cực hữu giành chiến thắng trong tổng tuyển cử ở Hà Lan hồi tháng 11 cũng đe dọa sẽ ngừng gửi viện trợ cho Ukraine.

Ngay cả ở những nước ủng hộ Ukraine nhiệt tình kể từ đầu cuộc chiến như Đức, Anh hay Pháp, các nhóm dân túy cánh hữu với quan điểm phản đối viện trợ Ukraine cũng đang dần mở rộng ảnh hưởng. Một số nước như Bỉ, Phần Lan, Đức và Romania sẽ tổ chức các cuộc bầu cử địa phương và khu vực vào năm tới, điều này có thể dẫn đến nhiều rắc rối hơn nữa cho Kiev.

Kết quả các cuộc bầu cử trên và cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2024 tại Mỹ sẽ quyết định tương lai dòng viện trợ bổ sung dành cho Ukraine. Các cuộc thăm dò gần đây cho thấy cựu Tổng thống Donald Trump đang dẫn trước ông Biden ở các bang chiến trường quan trọng, cho thấy ông Trump không chỉ có khả năng trở thành ứng viên chính thức của đảng Cộng hòa mà còn có thể giành lại Nhà Trắng sau thất bại lần trước.

Ông Trump khi còn tại chức đã bày tỏ ý định sẽ rút Mỹ khỏi Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nếu các nước châu Âu không tăng thêm khoản đóng góp cho khối và trong hai năm gần đây đã nhiều lần tuyên bố khi tái đắc cử sẽ cắt viện trợ và ép Ukraine, Nga vào bàn đàm phán.

“Chiến thắng cho Ukraine là điều có thể đạt được. Nhưng người Mỹ và châu Âu cần quyết định xem liệu họ có quyết tâm hỗ trợ Ukraine đến cùng để chấm dứt xung đột hay không” - chuyên gia Mark Temnycky thuộc tổ chức Hội đồng Đại Tây Dương (Mỹ) nói.•

Các công ty phương Tây thiệt hại hơn 100 tỉ USD khi rút khỏi Nga

Tờ The New York Times cho biết sau khi Nga tấn công Ukraine hồi đầu năm 2022, một loạt tập đoàn phương Tây đã bắt đầu rút khỏi thị trường Nga. Các nhà hoạt động và quan chức Ukraine chỉ trích những công ty không chịu rời đi, đồng thời các lệnh trừng phạt của Mỹ và EU cấm xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa từ Nga.

Theo báo cáo tài chính từ các tập đoàn này, việc bán bớt tài sản tại Nga khiến họ thiệt hại tổng cộng 103 tỉ USD. Tờ báo cho biết thêm các tập đoàn này cũng đã nộp ít nhất 1,25 tỉ USD tiền thuế xuất cảnh cho nhà nước Nga.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới