Tại thượng đỉnh G20 được tổ chức theo hình thức trực tuyến ở Ấn Độ ngày 22-11, các nhà lãnh đạo nhóm G20 nhất trí lên án chủ nghĩa khủng bố và cái chết của dân thường trong xung đột Israel-Hamas, bàn chiến sự Nga-Ukraine, theo tờ The Times of India.
Hoan nghênh thỏa thuận ngừng bắn Israel-Hamas
Chia sẻ sau hội nghị, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cho biết đại diện các nước G20 đã thống nhất nhiều quan điểm liên quan xung đột Israel-Hamas, bao gồm: hoan nghênh thỏa thuận ngừng bắn và thả con tin; thúc đẩy viện trợ nhân đạo vào Dải Gaza; giải quyết xung đột thông qua giải pháp hai nhà nước; giảm căng thẳng chính trị bằng đối thoại và ngoại giao; không khoan nhượng với chủ nghĩa khủng bố và cái chết của dân thường.
“G20 sẵn sàng hỗ trợ nỗ lực này bằng mọi cách có thể” - ông Modi nhấn mạnh tại thượng đỉnh G20.
Tuy nhiên, sau đó, Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar nói rằng “phần lớn”, nhưng không phải tất cả, các thành viên G20 ủng hộ giải pháp hai nhà nước.
Tại thượng đỉnh G20, Thủ tướng Modi kêu gọi các nhà lãnh đạo G20 cùng hợp tác để ngăn xung đột lan rộng và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đưa viện trợ vào Gaza “kịp thời và không gián đoạn”.
Theo Tổng thống Nga Vladimir Putin tại hội nghị, dù ngừng bắn nhân đạo là nhiệm vụ then chốt nhưng Nga muốn thấy một nền hòa bình lâu dài trong khu vực. Nhà lãnh đạo Nga cho rằng hòa bình chỉ đạt được thông qua giải pháp hai nhà nước.
Ông Putin cũng mô tả việc cung cấp viện trợ cho dân thường ở Gaza là “nghĩa vụ thiêng liêng” của Nga.
“Đây là sứ mệnh rất quan trọng, nhân đạo, cao cả. Chúng ta cần giúp đỡ những người đang đau khổ vì những gì đang diễn ra” - ông Putin nói tại thượng đỉnh G20.
Ông Putin: Cần tìm cách ngăn chặn thảm kịch xung đột Nga-Ukraine
Bên cạnh xung đột Israel-Hamas, chiến sự Nga-Ukraine cũng là đề tài được thảo luận trong thượng đỉnh G20.
Trước sự lên án từ các nhà lãnh đạo phương Tây liên quan xung đột Nga-Ukraine, Tổng thống Nga Vladimir Putin thừa nhận tại thượng đỉnh G20 rằng bất kỳ cuộc xung đột quân sự nào cũng là thảm kịch” và điều các nước cần làm là tìm cách ngăn chặn thảm kịch đó.
Thượng đỉnh G20 ngày vừa qua có sự tham gia của lãnh đạo và đại diện cấp cao các nước trong nhóm cùng Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres.
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không tham dự thượng đỉnh G20. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen và Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường thay hai nhà lãnh đạo dự hội nghị.
Theo hãng tin AP, thượng đỉnh G20 ngày 22-11 là sự kiện khép lại năm chủ tịch G20 của Ấn Độ.