Những ngày cuối tháng 5, hầu hết trường phổ thông, từ tiểu học đến THPT đều tổ chức họp phụ huynh học sinh để thông báo kết quả học tập và những chuyện linh tinh khác. Trong lúc đó tại cổng trường có vô số người chờ phát tờ rơi giới thiệu các trung tâm luyện thi, học thêm. Và cả ngay cửa lớp, nhiều nhân viên trung tâm luyện thi hay các trường dạy nghề PR tuyển sinh rộn rịp như những phiên chợ Tết cuối năm. Tội nghiệp các vị cha mẹ học sinh có con học kém nhốn nháo hỏi thăm, trao đổi nên cho con học thêm ở đâu, giá cả học phí, trường lớp, thầy cô dạy dỗ ra sao...
Luyện thi, học thêm, học hè...
Tại một buổi họp phụ huynh học sinh lớp 8 của một trường THCS ở quận Bình Thạnh, cả phòng họp lao xao rồi im lặng, hồi hộp khi cô chủ nhiệm ghi tên kèm kết quả học tập cả năm trên bảng. Mấy ông bà có con học lực trung bình và kém dáo dác quay qua quay lại hỏi nhau nên cho con học hè ở đâu để sang năm lớp 9 khá hơn mới tính chuyện thi chuyển cấp. “Phải lo ngay từ bây giờ” - cô chủ nhiệm nhắc nhở các cha mẹ học sinh trung bình và yếu, kém. Cô cũng gợi ý nên học hè ở trung tâm X khá gần trường, cô và mấy giáo viên của trường có tham gia dạy. Cô còn nhắc khéo mấy thầy cô dạy thêm bên đó là giáo viên cuối cấp của trường mình. Có nghĩa là sang năm lên lớp 9, các em có đi học hè bên kia sẽ gặp lại thầy ở bên này. Một ông ngồi sau lưng tôi, có lẽ chừng hơn 40 tuổi nhưng ăn mặc tuềnh toàng, dáng lam lũnên trông già cỡ 50 tuổi, than nhỏ: “Chỉ mong hè con nhỏ nghỉ học, ở nhà phụ má nó đẩy xe bán hàng và lo cơm nước. Bà vợ tui bị đau khớp, đi lại khó khăn nhưng phải đẩy xe bầu, bí, mướp, dưa ra ngã tư bán, bị mấy ông công an, trật tự phường đuổi chạy hoài. Có hôm bảđẩy xe bị vấp, té dập mặt xuống đường”.
Trẻ em thành phố làm gì có những ngày hè tươi đẹp như ở thôn quê.
Tội nghiệp lũ trẻ con thành phố
Có người nói trẻ con thành phố bây giờ chẳng có mùa hè cũng không ngoa. Thật vậy, không chỉ mấy cháu học kém mới phải đi học hè mà hầu như trẻ con thành phố nào mùa hè cũng phải đi học thêm chuẩn bị cho năm học tới. Nhất là bọn trẻ cuối cấp, sắp thi chuyển cấp phải căng người ra học, chẳng còn biết mùa hè là gì. Chả bù với trẻ con ở quê, mùa hè thật tuyệt! Nghỉ học đi đá bóng, câu cá hoặc ngay cả ra đồng, lên nương rẫy phụ giúp cha mẹ cũng lấy làm sung sướng. Trong lúc các bà, các cô đang bàn bạc chuyện mua quà tặng và tổ chức tiệc chia tay cho lũ trẻ, ông bố thằng bé ngồi cạnh con tôi bảo: “Tội nghiệp lũ trẻ con thành phố quanh năm chỉ học và học, không có mùa hè như lớp chúng mình trước kia. Thời bao cấp đi học khổ mà vui, ở quê nghỉ hè tha hồ chơi”. Tôi buột miệng đọc nho nhỏ mấy câu thơ trong bài Nghỉ hè của nhà thơ tiền chiến Xuân Tâm, tả tâm trạng những học sinh ở quê lên thành phố trọ học, đến ngày cuối năm học lo thu xếp hành trang về quê:“Sung sướng quá, giờ cuối cùng đã hết/ Đoàn trai non hớn hở rủ nhau về/ Chín mươi ngày nhảy nhót ở miền quê/ Ôi tất cả mùa xuân trong mùa hạ...”. Anh ta gần như nhảy cẫng lên nếu không phải là đang ngồi họp trong lớp. Anh bảo bài thơ từ nhỏ anh đãnghe mấy anh chị lớp lớn đọc, anh học lóm.
Tan họp, anh bạn mới tha thiết rủ tôi ra cái quán cóc đầu hẻm uống vài chai bia. Anh cho biết anh làm ở một công ty xuất khẩu gỗ, lúc này đang gặp khó khăn. Hai đứa tôi như hai nhân vật trong vở kịch Dạ cổ hoài lang hay trong truyện ngắn Tình nghĩa giáo khoa thư thời hiện đại, ngồi nhắc chuyện nghỉ hè ngày trước, mới đó mà như đãxa xôi lắm! Anh bạn bảo hai đứa con anh đều học khá, anh tính cho chúng về quê nội nghỉ hè mấy hôm rồi quay trởlại học hè. Người ta sao mình vậy. Anh chép miệng: “Tội nghiệp bọn trẻ con thành phố đánh mất những mùa hè tươi đẹp nhất của đời người!”.