Một thanh niên từ chối đi xe ôm giá cao, bị người chạy xe ôm đuổi đánh, anh giật được cây đánh lại, dẫn đến xe ôm bị chết, bị phạt bảy năm tù về tội giết người. Một thanh niên khác bị một người xông vào đánh, anh xô tay làm người đánh ngã xuống đường dẫn đến tử vong, cuối cùng bị xử tội cố ý gây thương tích trong trường hợp vượt quá phòng vệ chính đáng... Rõ ràng cũng là hành vi phòng vệ nhưng mỗi nơi, mỗi vụ lại định một tội danh khác nhau. Vậy khi nào mới là phòng vệ chính đáng và giới hạn đến đâu mới không bị tội?
Nơi xử giết người, nơi cố ý gây thương tích…
Ngày 14-8, TAND TP.HCM xử sơ thẩm, tuyên phạt Vũ Trọng Lưu bảy năm tù về tội giết người.
Vụ án được tóm tắt như sau: Tháng 10-2013, sau khi xuống xe buýt, Lưu kêu ông Lê Ngọc Nhơn (chạy xe ôm) chở đến cầu Sài Gòn. Ông Nhơn nói giá 25.000 đồng, Lưu không đồng ý mà tìm xe khác và một người khác đã đồng ý chở Lưu với giá 15.000 đồng. Lúc này ông Nhơn đến ngăn cản và đánh nhau với Lưu. Khi thấy một người cùng chạy xe ôm cầm cây gỗ chạy đến, ông Nhơn chụp lấy cây gỗ rồi rượt đánh Lưu. Mặc dù Lưu đã bỏ chạy nhưng ông Nhơn vẫn cố đuổi theo nên Lưu đã chụp cây từ tay ông Nhơn đánh trả, cú đánh trúng vào đầu ông Nhơn dẫn đến nạn nhân tử vong.
Trước đó không lâu, TAND huyện Phú Hòa (Phú Yên) đã tuyên phạt Trần Minh Trưng một năm tù nhưng cho hưởng án treo về tội cố ý gây thương tích do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng (khoản 1 Điều 106 BLHS). Số là chiều 10-1, Trưng đến dự đám cưới của một người trong thôn, ngồi chung bàn với Trương Thành Tín. Sau đó Trưng và một số người tập trung tại ngã ba đường liên thôn bàn chuyện đi chơi thì Tín xông vào đánh Trưng. Trưng hỏi: “Tại sao đánh tôi?”, Tín nói: “Trước đây mày đánh em tao, giờ tao đánh mày được không?”. Sau đó Tín tiếp tục xông vào đánh Trưng thì được mọi người can ngăn, kéo ra. Tín vẫn nhào vào để đánh Trưng thì Trưng dùng tay xô ra làm Tín ngã ngửa xuống đường bê tông, hai ngày sau thì Tín qua đời. Theo tòa, bị cáo đã xâm hại đến tính mạng người khác nên phải xử phạt nghiêm. Tuy nhiên, bị cáo đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, đã bồi thường cho gia đình bị hại… nên không cần phải cách ly bị cáo khỏi xã hội.
Vũ Trọng Lưu, người bị người chạy xe ôm dùng cây đuổi đánh nên đã giật cây đánh lại gây chết người, bị xử phạt bảy năm tù về tội giết người. Ảnh: HOÀNG YẾN
Chống trả quá mức cần thiết: Bị tội
Theo khoản 1 Điều 15 BLHS thì phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác... mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích trên. Phòng vệ chính đáng không bị coi là tội phạm vì nó khuyến khích mọi công dân đấu tranh chống lại hành vi tội phạm cũng như ngăn chặn, hạn chế những thiệt hại do hành vi đó gây ra, trước tiên là cho bản thân mình.
Viện trưởng VKSND quận 5 (TP.HCM) Nguyễn Kim Tiếng cho biết lý luận chung là như vậy nhưng thực tế việc định tội danh liên quan đến hành vi phạm tội có tính phòng vệ thì rất khó.
Chẳng hạn, trong vụ ông Nhơn tài xế xe ôm nêu trên phải chia thành hai giai đoạn. Lúc đầu bị cáo bị rượt đuổi và nằm trong tình thế khẩn thiết phải bảo vệ tính mạng của mình (nếu không chạy sẽ bị đánh có thể thiệt mạng). Nhưng sau khi bị cáo giật được cây của ông Nhơn thì giai đoạn phòng vệ chính đáng đó đã kết thúc, nếu bị cáo vứt cây đi hoặc cầm cây chạy luôn thì vẫn bảo vệ được mình. Đằng này bị cáo lại dùng chính cái cây ấy đánh trả và trúng vào vùng trọng yếu của ông Nhơn khiến ông chết thì đó không còn là phòng vệ nữa mà chuyển sang giai đoạn phạm tội.
Nói cách khác, bị cáo đã thoát khỏi tình trạng buộc phải chống trả mà lại chống trả quá mức cần thiết dù ý thức của bị cáo không mong muốn ông Nhơn chết. Do đó trong vụ này, xác định tội danh là giết người là không sai vì phải tùy vào mức độ hành vi và hậu quả thực tế xảy ra.
Đồng tình, Thẩm phán Hoàng Văn Hải (nguyên Phó Chánh án TAND tỉnh Tây Ninh) phân tích tính tương quan trong lực lượng và hung khí là hai yếu tố chính để xác định hành vi đó có là phòng vệ chính đáng hay không. Bởi vì quy định về phòng vệ chính đáng chỉ mang tính định tính chứ không định lượng cụ thể. Người bị tấn công phải tự phán đoán, quyết định phòng vệ thế nào và đến mức nào cho phù hợp. Tức nếu bị tấn công bằng dao thì cách phòng vệ phải khác với việc bị tấn công bằng tay không. Chẳng hạn, trong vụ bị cáo Trưng đẩy té người ở trên, cả hai đánh nhau bằng tay không là tương quan lực lượng, ban đầu có thể coi là phòng vệ chính đáng. Nhưng nó không tương quan về hành vi vì hành vi đẩy của Trưng có lực khá mạnh khiến bị hại bị té, nên việc tòa xác định tội danh như đã phạt là tương xứng vì hậu quả là chết người.
Vượt quá phòng vệ: Định tội tùy yếu tố khác
Theo khoản 2 Điều 15 BLHS thì vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại. Có thể hiểu là người phòng vệ đã dùng những hung khí và cách thức gây ra thiệt hại quá đáng cho người đang xâm hại mình.
Theo luật sư Nguyễn Toàn Thiện, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bình Thuận, ranh giới giữa phòng vệ chính đáng và không chính đáng khá mong manh, cả về lý thuyết lẫn thực tiễn một người đang đứng trước tình cảnh bị tấn công. Vì vậy, thực tế không thể tránh được sự tùy tiện trong việc định tội vì nhận thức của mỗi cơ quan tố tụng có sự khác nhau.
Tuy nhiên, theo luật sư Thiện, để phân biệt thì phải căn cứ vào tương quan lực lượng về hung khí gây án, hậu quả hành vi và vị trí tác động đến bị hại. Chẳng hạn trong vụ thứ hai nêu trên, hai bên cùng tương quan lực lượng là đánh nhau bằng tay không nhưng nếu bị hại Tín chỉ bị thương dưới 31% thì khác việc bị thương nặng hoặc tử vong. Như vậy dù từ đầu có lỗi của người bị hại nhưng bị cáo phòng vệ quá mức cần thiết dẫn đến hậu quả nặng thì được hiểu là vượt quá giới hạn cho phép. Lúc này hành vi vượt quá đó phải bị xử lý hình sự nhưng tùy vào các yếu tố khác sẽ định tội danh khác nhau.
Kiểm sát viên Nguyễn Kim Tiếng thì cho rằng khi đã xác định là vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng rồi thì chuyện phân biệt để định tội danh là khá phức tạp. Nó đòi hỏi phải đặt sự việc trong hoàn cảnh cụ thể, phải so sánh tương quan lực lượng, xem xét tính chất, phương pháp, phương tiện, công cụ của người tấn công cũng như điều kiện, khả năng phòng vệ của người phòng vệ. Ví dụ ở vụ thứ nhất, việc giật cây của bị cáo Lưu để tấn công lại bị hại tạo ra một tình huống không tương quan về hung khí. Lúc này bị hại chỉ có tay không trong khi bị cáo cầm cây là hung khí nguy hiểm đánh trả ở một tư thế có thể chạy thoát.
Các tòa vẫn phải có tiếng nói chung Thực tế cho thấy cùng hành vi phòng vệ làm chết người nhưng ở nhiều nơi, nhiều tòa vẫn còn có nhiều cách hiểu và xác định tội danh khác nhau. Nói gì thì nói, việc áp dụng thiếu thống nhất này cũng gây khó khăn cho hoạt động thực thi pháp luật và nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa. “Cán cân công lý” cần phải được tính toán, thậm chí rà soát, kiểm tra lại để đảm bảo sự công bằng trong pháp luật trên phạm vi toàn quốc. Luật sư VŨ XUÂN HẢI, nguyên Chánh tòa Hình sự |