Đánh thức tiềm năng kinh tế biển TP.HCM

“Trong bối cảnh trong nước và quốc tế hiện nay, TP.HCM cần định vị lại vị thế cạnh tranh của mình, định hướng thành trung tâm dịch vụ có sức cạnh tranh quốc tế, hướng đến các mô hình kinh tế mới như kinh tế biển xanh trong tương quan với tăng trưởng xanh. Do đó, xác định định hướng chiến lược để TP.HCM có kinh tế biển và chuỗi đô thị biển phát triển kết nối với quốc tế và khu vực đã trở thành yêu cầu cấp thiết”.
Phát biểu tại hội thảo “TP.HCM - Tầm nhìn kinh tế biển kết nối chuỗi đô thị quốc tế” do UBND TP.HCM phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương tổ chức ngày 30-3, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan nhận định như trên.
Tầm quan trọng của kinh tế biển
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan, trong thế kỷ 21, kinh tế biển thực sự trở thành nội dung quan trọng hàng đầu trong chiến lược biển của các quốc gia. Các ngành kinh tế biển mới nổi như công nghệ sinh học biển, du lịch biển, dịch vụ biển công nghệ cao… đã có tốc độ phát triển rất nhanh dựa trên ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Tại hội thảo, PGS-TS Lưu Thế Anh, Viện trưởng Viện Tài nguyên và Môi trường, ĐH Quốc gia Hà Nội, cũng cho rằng: Các nước trên thế giới đã dịch chuyển địa chiến lược, từ phát triển dựa vào không gian đất liền tiến ra dựa vào không gian biển. Nhiều nước đã hoạch định chiến lược kinh tế biển hướng tới mở rộng giới hạn, vượt ra ngoài lãnh hải của mình nhằm hoạch định kiểm soát biển và đại dương.
Đồng quan điểm, PGS-TS Nguyễn Chu Hồi, nguyên Tổng cục phó Tổng cục Biển đảo Việt Nam, nhận định xu thế trong thời gian tới là tạo kết nối không chỉ đất liền và biển. Điều này nhằm mục đích để Việt Nam không phải là quốc gia ở ven bờ mà thực sự là quốc gia biển. Điều này vừa tạo cực phát triển, vừa tạo cực đối trọng để tận dụng lợi thế phát triển khu vực trong thời gian tới.
Theo PGS Hồi, bối cảnh này sẽ đặt TP.HCM trong nỗ lực cố gắng sớm hoàn thiện và xây dựng một hệ thống đô thị biển. Đồng thời đặt ra yêu cầu đối với TP trong việc lựa chọn chiến lược phát triển, tạo sự đột phá nhằm nâng cao năng suất; thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế, mức sống và chất lượng sống của người dân; củng cố tiềm lực tài chính, gia tăng vị thế và tầm quan trọng của TP ở Việt Nam và trong khu vực.

Một dự án hướng biển đang được xây dựng ở huyện Cần Giờ.
Ảnh: HOÀNG GIANG

Các chuyên gia cho rằng TP.HCM nên chọn liên kết vùng để phát triển chuỗi đô thị biển mặt tiền tại vịnh Cần Giờ. Ảnh: THU TRINH

Chủ động tham gia chuỗi giá trị hàng hải quốc tế
Trong một góc nhìn khác, PGS-TS-KTS Nguyễn Hồng Thục, Chủ tịch hội đồng Viện Nghiên cứu định cư và năng lượng bền vững, đánh giá TP.HCM có cơ hội lớn trên bản đồ hàng hải quốc tế. Hệ thống hàng hải khu vực châu Á đang tập trung tại các TP đảo như Singapore, Thâm Quyến - Hong Kong, Thượng Hải - Macau, Busan và Tokyo.
Trong đó, TP.HCM là một địa chỉ trung gian, là trung tâm hàng hóa của các vùng cửa ngõ nêu trên và kết nối trực tiếp với hệ thống cảng biển Singapore. Tuy nhiên, Singapore có những giới hạn và sự tách biệt về không gian địa lý dẫn đến những điểm nghẽn cơ bản trong phát triển. Do vậy, đây chính là cơ hội cho các địa điểm trung gian như các cảng biển vùng TP.HCM cạnh tranh trong tương lai để chủ động tham gia vào chuỗi giá trị hàng hải quốc tế.
Theo PGS Thục, TP.HCM cũng đang có cơ hội phát triển mô hình cluster kinh tế biển. Đây là mô hình phát triển kinh tế mà trong đó các cụm ngành của kinh tế hàng hải được phân bố dựa trên lợi thế cạnh tranh của mỗi địa điểm có tính đặc thù. Khi các đô thị tham gia cluster vùng TP.HCM để phát triển kinh tế biển sẽ chuyển đổi nhanh theo xu hướng đa cực, đa trung tâm và đa ngành để tận dụng cơ hội của hạ tầng vùng và cơ hội là cửa ngõ quốc tế về hàng không và hàng hải. 
“Vì vậy, cấp thiết vùng TP.HCM cần xây dựng một chiến lược liên kết dạng cluster phát triển kinh tế biển cho toàn vùng một cách cụ thể. Từ đó thu hút nguồn lực và tận dụng lợi thế cũng như chia sẻ lợi ích từ các khu vực lân cận, vận hành trong nền kinh tế tuần hoàn, thúc đẩy đổi mới sáng tạo” - PGS Thục phân tích.
Bước ngoặt
Theo PGS-TS-KTS Nguyễn Hồng Thục, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam gồm tám tỉnh, gần như tạo thành một bát giác kim cương, ôm lấy lõi tự nhiên là khu dự trữ sinh quyển thế giới Cần Giờ rộng hơn 42.000 ha. Đây sẽ trở thành cực kinh tế biển khi kết nối chuỗi đô thị biển quốc tế từ tầm nhìn phát triển nhanh chuỗi đô thị biển mặt tiền Vũng Tàu - Cần Giờ - Gò Công.
“TP.HCM rất tiện lợi để xây dựng hệ thống đô thị cửa ngõ vùng của tám tỉnh. Trong đó, TP.HCM là trung tâm kết nối siêu đô thị cửa ngõ. Hệ thống đô thị cửa ngõ này trở thành khu vực hoạt động kinh tế biển đầy tiềm năng để trở thành vùng kết nối đủ mạnh nhằm cạnh tranh trên khu vực và quốc tế” - bà Thục nhận định.
Ông Võ Văn Hoan đánh giá mô hình phát triển trong tương lai của TP cần đặt kết nối vùng một cách quyết liệt, đầy đủ hơn. Mục đích là tận dụng và phát triển kinh tế biển, cảng biển, gắn với chuỗi đô thị biển mang tầm vóc quốc tế trong phần đất và biển của TP, trong đó có vịnh Cần Giờ. Đây sẽ là cơ hội tạo bước ngoặt thay đổi phương thức và mô hình phát triển của TP, từ phát triển dựa vào đất đai sang phát triển dựa vào biển.
Đã 20 năm nghiên cứu phát triển Cần Giờ
GS-TSKH Hoàng Văn Huây, nguyên Thứ trưởng Bộ KH&CN, cho biết xây dựng các đô thị ven biển mang ý nghĩa đặc biệt với sự phát triển và trường tồn của đất nước. Chính phủ và TP.HCM đã 20 năm nghiên cứu phát triển huyện Cần Giờ. Nay gặp vận hội mới, cần đồng thuận việc Cần Giờ trở thành khu đô thị sinh thái cộng sinh với điều kiện tự nhiên để bảo tồn rừng ngập mặn và khu dự trữ sinh quyển.
Về quan điểm phát triển, đô thị hóa huyện Cần Giờ cần được chú trọng phát triển theo hình thức đô thị có hàm lượng carbon thấp để bảo vệ khu dự trữ sinh quyển khỏi tác động xấu về môi trường.
Theo ông Huây, nhìn về phát triển chuỗi đô thị sẽ thấy Vũng Tàu gồm có khu đô thị dịch vụ sau cảng Cái Mép - Thị Vải; Cần Giờ là mặt tiền biển; và Gò Công - một trọng điểm miền Tây về nông nghiệp và sinh thái sẽ tạo nên một chuỗi đô thị mặt tiền biển. Đây sẽ là động lực tiến biển, làm kinh tế biển, cảng biển, logistics kết hợp với Cảng hàng không quốc tế Long Thành, làm tăng hiệu quả đầu tư và tạo bộ mặt mới cho TP và vùng lân cận.
PGS-TS Lưu Thế Anh nhìn nhận TP.HCM là một TP biển nhưng đường bờ biển lại không nhiều. Trong khi đó, biển Cần Giờ lại đang bị lãng quên, giá trị các dịch vụ hệ sinh thái độc đáo của khu dự trữ sinh thái rừng ngập mặn Cần Giờ chưa được khai thác, sử dụng hiệu quả để chuyển hóa và tạo giá trị gia tăng cho nền kinh tế của TP. 
Do đó, TP nên chọn liên kết vùng để phát triển chuỗi đô thị biển mặt tiền tại vịnh Cần Giờ, đảm bảo được sinh thái do gắn kết với giá trị kinh tế sinh thái khu dự trữ sinh quyển thế giới và là chuỗi đô thị quốc tế có mức độ quốc tế hóa, sức chống chịu cao. Đây là sự bứt phá có tính khả thi cao khi Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư đô thị biển tại huyện Cần Giờ.•
 Đến năm 2045, Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh
Những năm qua Đảng ta quan tâm đặc biệt đến phát triển biển và đô thị biển thông qua ban hành Nghị quyết 36 (ngày 22-10-2018) của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. 
Theo đó, đến năm 2030 kinh tế biển đóng góp 10% GDP cả nước, và kinh tế của 28 tỉnh, TP ven biển chiếm 65%-75% GDP cả nước. Đến năm 2045, Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh, an toàn; kinh tế biển đóng góp quan trọng vào nền kinh tế đất nước.
Văn kiện Đại hội 13 của Đảng đã xác định phát triển bền vững kinh tế biển phù hợp với các chuẩn mực quốc tế, kiểm soát khai thác tài nguyên biển, đảm bảo đời sống nhân dân vùng biển đảo, sinh thái biển gắn với đảm bảo quốc phòng an ninh.
Đối với phát triển đô thị, trong đó có đô thị ven biển, văn kiện Đại hội 13 khẳng định phát triển đô thị hài hòa phù hợp với lợi thế tiềm năng của từng vùng, từng địa phương. Đồng thời tập trung xây dựng và nhân rộng mô hình khu kinh tế, khu công nghiệp sinh thái ven biển gắn với hình thành phát triển đô thị và phát triển các trung tâm kinh tế biển mạnh.
Ông NGUYỄN ĐỨC HIỂN, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới