Ngày 18-6, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã kí quyết định Áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời đối với một số sản phẩm thép hợp kim hoặc không hợp kim được cán phẳng, mạ hoặc không mạ, được sơn có xuất xứ từ Trung Quốc và Hàn Quốc.
Quyết định trên dựa trên đề xuất của Cục Phòng vệ thương mại thuộc Bộ Công Thương, có hiệu lực từ ngày 25-6-2019.
Theo đó, các mặt hàng có xuất xứ Trung Quốc và Hàn Quốc như tôn lạnh màu, tôn kẽm màu, tôn đen màu sẽ bị áp thuế 3,45 đến 34,27%. Theo danh sách đính kèm quyết định này, sẽ có 20 công ty đến từ Trung Quốc và ba công ty Hàn Quốc nhập khẩu các mặt hàng trên vào Việt Nam bị đánh thuế.
Theo chuyên gia của Hiệp hội Thép Việt Nam, việc Bộ Công Thương ban hành quyết định áp dụng biện pháp Chống bán phá giá tạm thời đối với một số sản phẩm thép có xuất xứ từ Trung Quốc và Hàn Quốc là một quyết định kịp thời và đúng đắn. Nhà nước sẽ thu được thuế từ các doanh nghiệp Việt làm ăn chân chính và hạn chế thất thoát thuế từ các biện pháp lẩn tránh thuế của các doanh nghiệp nhập khẩu.
Danh sách các doanh nghiệp Trung Quốc bị áp thuế chống bán phá giá tạm thời. Ảnh: TRÀ PHƯƠNG
Theo vị này, thời gian qua, các doanh nghiệp tôn thép Việt Nam gặp nhiều khó khăn trong cạnh tranh nội địa. Bên cạnh đó, các nhà sản xuất tôn thép trong nước còn phải chịu sức ép cạnh trạnh từ các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có Trung Quốc. Phần lớn các sản phẩm có xuất xứ từ Trung Quốc có giá bán rất rẻ khiến cho các doanh nghiệp nội thiệt hại, thua lỗ.
Đại diện doanh nghiệp có sản lượng, thị phần tôn mạ số một Việt Nam, ông Trần Đình Tài, Giám đốc Truyền thông, Tập đoàn Hoa Sen cho biết quyết định trên sẽ tác động không nhỏ đến các doanh nghiệp tôn thép trong nước. Việc áp thuế chống bán phá giá sẽ hạn chế được hàng hóa Trung Quốc vào Việt Nam, các doanh nghiệp nội có điều kiện để vượt khó khăn hiện tại.
“Hiện nay cung đang lớn hơn cầu. Nếu hạn chế nhập khẩu tôn thép từ Trung Quốc thì hàng hóa của Việt Nam có thể cạnh tranh công bằng, lành mạnh”, ông Tài chia sẻ.
Quyết định áp thuế chống bán phá giá tạm thời có hiệu lực từ 25-6, thời hạn áp dụng biện pháp tạm thời trong vòng 120 ngày. Như vậy, đến ngày 25-10-2019, Bộ Công Thương sẽ đưa ra quyết định chính thức về thuế chống bán phá giá mặt hàng trên.