Danh xưng và sự ngộ nhận chủ quyền

Để hiện thực hóa quan điểm bất hợp lý đó, từ giữa thế kỷ XX, Trung Quốc đã bắt đầu đưa ra “đường ngắt đoạn 11 khúc” (còn gọi là “đường lưỡi bò”) khoanh vùng lãnh hải của mình gần như nuốt trọn biển Đông. Năm 2009, Trung Quốc đã chính thức trình lên Liên Hiệp Quốc vấn đề trên. Nhiều nước đã phản đối mạnh mẽ vì cho rằng “đường lưỡi bò” là không phù hợp với luật pháp quốc tế và xâm phạm trắng trợn đến vùng biển chủ quyền đã được xác lập hợp pháp của các nước liên quan. Trong thời gian gần đây, bất chấp sự phản đối ấy, Trung Quốc liên tiếp gây ra nhiều hành động ngang ngược đòi hiện thực hóa “đường lưỡi bò”, càng gây thêm bao bất bình cho dư luận các nước liên quan, trong đó có Việt Nam.

Trung Quốc biết rõ danh xưng biển Nam Trung Hoa mà họ dùng chính là biển Đông theo tên gọi của Việt Nam hay biển Luzon theo tên gọi của Philippines (mới đây nước này đề nghị đổi thành biển Tây Philippines). Nhưng danh xưng ấy không hoàn toàn trùng khớp với chủ quyền thực được xác lập. Nếu lý sự theo kiểu Trung Quốc không lẽ biển Nhật Bản là của Nhật, Ấn Độ Dương là biển của Ấn Độ? Phải chắc một điều rằng chẳng ai lại đi ngộ nhận theo kiểu kỳ cục đó!

Cũng như thế, trong bao năm qua Philippines hay Việt Nam chưa bao giờ có mưu đồ bá chiếm toàn bộ biển Đông dựa vào danh xưng. Từ góc độ bản đồ học do nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu cung cấp cho thấy rằng trước khi có tên gọi biển Nam Trung Hoa thì chính người Trung Quốc đã vẽ phần biển phía Đông của Việt Nam là Giao Chỉ dương hay Đông Dương đại hải hoặc Đông Nam hải. Vậy Trung Quốc ứng xử trước vấn đề này thế nào nếu Việt Nam dựa vào danh xưng mà làm theo kiểu Trung Quốc?

Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, trong một lần trả lời báo chí gần đây có nói rằng: “Cùng một vùng biển, Trung Quốc gọi biển Hoa Nam, chúng tôi gọi biển Đông. Đó chỉ là tên gọi. Còn đề nghị từ một nhóm người Việt Nam nào thì tôi cho đó cũng là xuất phát từ lòng yêu nước nhưng tôi không cho đấy là một vấn đề lớn. Tôi không cho đó là nguyện vọng chung của Việt Nam. Việt Nam chỉ có một nguyện vọng là vùng biển nào theo luật pháp quốc tế là của Việt Nam thì phải được thừa nhận là lãnh thổ Việt Nam”.

“Cái tên không giải quyết được vấn đề chủ quyền”. Đúng! Vấn đề chính yếu là cần phải tôn trọng chủ quyền của các bên đã được xác lập theo luật pháp quốc tế. Và cách ứng xử cần thiết nhất lúc này, trong thời đại này là phải lấy luật pháp quốc tế làm trọng.

MINH CƯỜNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm