Đảo chính Niger: Ngoại giao hay bạo lực?

(PLO)- Sau gần hai tuần, tình hình Niger sau đảo chính Niger cũng như các diễn biến khu vực và quốc tế quanh sự kiện này ngày càng nóng.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Bất chấp áp lực phải khôi phục quyền lực cho chính phủ dân sự do Tổng thống Mohamed Bazoum dẫn đầu, lực lượng đảo chính Niger vẫn đi theo lộ trình tiến tới thành lập chính quyền quân sự. Khu vực và quốc tế đang cân nhắc biện pháp giải quyết khủng hoảng.

Khu vực, quốc tế nỗ lực tiếp cận phe đảo chính

Lãnh đạo chính quyền quân sự Niger sau đảo chính là tướng Abdourahamane Tiani. Tối 7-8, các lãnh đạo đảo chính đã chỉ định ông Ali Mahaman Lamine Zeine làm thủ tướng mới của Niger, theo đài France24. Ông Zeine là bộ trưởng Bộ Tài chính (từ năm 2002) dưới thời Tổng thống Mamadou Tandja cho đến khi ông Tandja bị lật đổ trong một cuộc đảo chính năm 2010. Trung tá Habibou Assoumane được chỉ định là chỉ huy mới của lực lượng bảo vệ tổng thống của Niger.

Ngày 8-8, chính quyền quân sự Niger từ chối tiếp phái đoàn ngoại giao quốc tế gồm các đại diện Liên minh châu Phi, Liên hợp quốc (LHQ), ECOWAS, theo hãng tin Reuters. Phái đoàn này là nỗ lực ngoại giao mới nhất của cộng đồng quốc tế nhằm giải quyết khủng hoảng ở Niger. Lý do chính quyền quân sự Niger đưa ra là “không thể đảm bảo an toàn cho các nhà ngoại giao trước sự giận dữ của người dân Niger”.

Các bộ trưởng Quốc phòng khối ECOWAS họp tại Abuja (Nigeria) ngày 2-8 thảo luận về khả năng can thiệp vào Niger. Ảnh: AFP

Các bộ trưởng Quốc phòng khối ECOWAS họp tại Abuja (Nigeria) ngày 2-8 thảo luận về khả năng can thiệp vào Niger. Ảnh: AFP

Ngày trước đó, các lãnh đạo quân đội Niger có buổi tiếp Quyền Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland. France24 dẫn lời bà Nuland cho biết bà đề nghị gặp là nhằm gây sức ép đảo ngược cuộc đảo chính, tuy nhiên cuộc gặp “cực kỳ thẳng thắn và đôi khi khá khó khăn” không mang lại tiến triển nào. Bà Nuland cho biết các lãnh đạo đảo chính đã từ chối cho bà gặp vị tổng thống bị lật đổ. Tướng Tiani không tham gia cuộc gặp này.

Hạn chót tối hậu thư mà các nước thuộc Cộng đồng kinh tế Tây Phi (ECOWAS) đưa ra để khôi phục quyền lực cho chính phủ dân sự, nếu không khối này sẽ can thiệp quân sự (hết ngày 6-8) đã qua nhưng không được đáp ứng.

Ưu tiên ngoại giao

Dù hạn chót đã qua song ECOWAS vẫn chưa có hành động quân sự. Dự kiến ECOWAS sẽ họp vào ngày 10-8 tại Nigeria bàn phản ứng tiếp theo. ECOWAS ngày 8-8 tuyên bố sẽ “tiếp tục triển khai mọi biện pháp để khôi phục trật tự hiến pháp ở Niger”. Nigeria - nước đang là chủ tịch luân phiên của ECOWAS - tuyên bố rằng khối vẫn không loại trừ phương án can thiệp quân sự, theo đài Al Jazeera.

Tuy thế đánh giá tình hình chung thì giới quan sát cho rằng khả năng vụ đảo chính Niger sẽ được dàn xếp qua đường ngoại giao. Bản thân ECOWAS dù không loại trừ phương án can thiệp quân sự song nhấn mạnh đây là biện pháp cuối cùng.

Lính đánh thuê Wagner đang “cố lợi dụng” sự bất ổn ở Niger sau đảo chính, theo Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken. Giới quan sát nhận định chuyến đi của Quyền Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland đến Niger gặp các lãnh đạo quân đội nước này là một nỗ lực nhằm ngăn Wagner mở rộng ảnh hưởng.

Trao đổi Al Jazeera, ông Ajuri Ngelale, người phát ngôn Văn phòng tổng thống Nigeria, cho biết Tổng thống Nigeria Bola Tinubu chủ trương ngoại giao là “con đường tốt nhất” để giải quyết khủng hoảng Niger. Cụ thể, “ông Tinubu và các lãnh đạo Tây Phi ủng hộ một giải pháp đạt được thông qua con đường ngoại giao, biện pháp hòa bình hơn bất kỳ giải pháp nào khác”.

Từ Lagos (Nigeria) ngày 8-8, nhà báo Chinwe Ossondu của France24 cho rằng tại Nigeria đang có sự phản đối khả năng ECOWAS can thiệp quân sự vào Niger.

Cường quốc kinh tế lớn nhất khối Tây Phi hiện đang phải đối mặt với các vấn đề nội bộ cấp bách như lạm phát cao và cuộc chiến chống khủng bố Hồi giáo. Theo nhà báo Ossondu, “[những người chỉ trích nói] tổng thống nên tìm kiếm các biện pháp ngoại giao để giảm thiểu vấn đề đang diễn ra ở Niger và không can thiệp quân sự, Nigeria không thể đảm đương điều đó ngay bây giờ”.

Từ TP Cotonou (Bénin, một nước Tây Phi, giáp Niger ở phía Bắc, thành viên ECOWAS), nhà báo Catherine Norris-Trent của France24 cho biết các nước ECOWAS “đang xem xét các cuộc bàn bạc để cố gắng tìm ra một cách khác để giải quyết vấn đề này, và một gợi ý là một phái đoàn ECOWAS khác có thể được gửi đến Niger”. Theo nhà báo này “có vẻ đã đến lúc dành cho ngoại giao, thay vì can thiệp quân sự ngay”.

Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres cho biết ông ủng hộ mạnh các nỗ lực hòa giải của ECOWAS. Phần Mỹ, tối 7-8, Ngoại trưởng Antony Blinken lên tiếng rằng ngoại giao là lựa chọn tốt nhất để cộng đồng quốc tế đối phó cuộc khủng hoảng đảo chính ở Niger. Khẳng định “ngoại giao chắc chắn là cách tốt nhất để giải quyết tình huống này”, ông Blinken cho biết “đó là cách tiếp cận hiện tại của ECOWAS và của chúng tôi”. Bà Nuland cho biết bà đã đưa ra “một số lựa chọn” với các lãnh đạo đảo chính để thoát khỏi cuộc khủng hoảng và khôi phục mối quan hệ với Mỹ, nhưng không nói chi tiết.

Một nguồn tin ngoại giao Pháp nói với hãng tin AFP hôm 8-8 rằng Pháp “hoàn toàn ủng hộ các nỗ lực của khu vực nhằm khôi phục nền dân chủ ở Niger” và ủng hộ các quyết định của ECOWAS “về cách khôi phục trật tự hiến pháp ở Niger, bất kể quyết định đó có thể là gì”.•

Lo ngại nhân đạo ở Niger

Các nỗ lực nhân đạo của LHQ tại Niger, một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới, đang bị cản trở khi việc đóng cửa biên giới và không phận đã cắt đứt nguồn cung cấp thuốc men và thực phẩm, France24 dẫn lời Giám đốc nhân đạo của LHQ tại Niger Louise Aubin ngày 8-8.

Trước đảo chính số người cần được hỗ trợ khẩn cấp của LHQ ở Niger là 4 triệu. Bất kỳ sự cắt giảm nhân đạo nào cũng có thể gây ra những tác động tàn phá ở Niger, quốc gia có tỉ lệ tử vong ở trẻ em cao nhất thế giới.

Ngày 8-8, Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo nước này tạm dừng tài trợ cho giáo dục và đào tạo quân sự quốc tế, các hoạt động gìn giữ hòa bình và các chương trình tài trợ quân sự nước ngoài hỗ trợ khả năng chống khủng bố của Niger. Nigeria trừng phạt tài chính các tổ chức và cá nhân liên quan đến cuộc đảo chính.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm