Tối qua, tôi lang thang trên phố với một anh bạn thuộc hàng "nhà bự". Một "nhà bự" thật như anh ấy hay nói đùa "không làm gì tiền cũng tự bò vào nhà".
Anh ấy rủ tôi đi cà phê ăn tối, tìm mua quà tặng cho thầy giáo của con anh ấy - một cậu bé lớp 8 - và ông thầy bạn ấy muốn tặng quà là giáo viên dạy môn GDCD.
Quà tặng của anh ấy là một cái điện thoại đời hình như là mới nhất, tôi nhìn vào cũng phải thèm.
Tôi nửa đùa nửa thật hỏi :
- Định mua chuộc gì thầy giáo à?!
- À không anh, em thích ông thầy thằng nhóc vì ổng làm cho nó khoái học môn GDCD và làm cho nó thấy đạo đức hổng có gì là trừu tượng hết - anh ta trả lời.
Tôi không biết ông thầy GDCD đó có nhận món quà này không nhưng tôi thấy cách anh ấy chọn quà, gói quà, nắn nót viết tay tấm thiệp chúc mừng ngày 20-11, tự tay đặt thiệp vào hộp quà với cả sự trân trọng, với cả một niềm vui rạng ngời trên mặt ... thì chắc chắn anh ấy không hề bị "ép buộc" tặng quà cho thầy giáo của con anh ta.
Được tặng quà cho thầy giáo con mình yêu thích - dù món quà cực đắt tiền - vẫn là một niềm vui của anh "nhà bự" đó. Anh ta sẵn sàng bỏ cả buổi tối để đi chọn quà, gói quà, viết thiệp và sẽ tự tay mang món quà đến cho thầy giáo của con, không bực bội khó chịu hay cằn nhằn gì.
Vậy tại sao cứ đến ngày 20-11 lại xuất hiện những bài viết kiểu như: nhận quà từ PHHS là một điều xấu hổ của GV; GV có đạo đức là không nhận quà của PHHS, nêu "tấm gương sáng" từ chối phong bì của GV A, GV B.
Rồi sáng nay trên một tờ báo lại có thêm bài viết của một giáo viên nào đó khoe rằng đã từ chối phong bì 500K, trên tờ báo khác, một tiến sĩ lại viết "giáo viên có hạnh phúc không?".
Chuyện nhận quà hay không nhận quà của PHHS là chuyện bình thường của GV. Họ có quyền tự quyết định họ nhận hay không nhận. Đạo đức nhà giáo thật sự sẽ nằm trong tâm của từng giáo viên. Họ sẽ tự biết món quà đó nên nhận hay nên từ chối với sự trân trọng nhất có thể tình cảm PHHS dành cho họ.
Hãy để chính con tim của họ làm nhiệm vụ phán xét họ nhé mọi người...