Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis mới đây đã yêu cầu Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ chấp thuận một số điều chỉnh liên quan tới đạo luật “Chống lại những đối thủ của Mỹ thông qua các biện pháp trừng phạt” (gọi tắt là CAATSA) - được Tổng thống Donald Trump thông qua vào đầu tháng 8-2017. Nga là một trong những mục tiêu chính mà CAATSA nhắm đến.
Một đòn trừng phạt hiếm có
Nhiều người dân Mỹ và các nước phương Tây tin rằng Nga đã không nhiều thì ít can thiệp vào các cuộc bầu cử ở Mỹ và một số quốc gia thuộc khối EU, bất chấp Nga nhiều lần bác bỏ các cáo buộc này. Ông Trump cũng đang khổ sở về cáo buộc trên khi “cuộc điều tra quan trọng nhất” đang được tiến hành bởi cố vấn đặc biệt Robert Mueller và các đồng nghiệp của ông thông qua sự bảo trợ của Bộ Tư pháp Mỹ. Thông qua CAATSA nhắm vào Nga, ông Trump muốn giảm sức ép chính trị bên trong nước Mỹ.
Căng thẳng Nga-Mỹ kéo dài từ việc Nga bị cáo buộc chiếm Crimea, hỗ trợ lực lượng chống chính phủ tại miền Đông Ukraine, cho tới can dự của quân đội Nga tại Syria. Đạo luật CAATSA được cho là công cụ cần thiết trừng phạt quốc gia chống lại lợi ích Mỹ.
CAATSA được cho là đòn trừng phạt “hiếm có”, có tính toàn diện hơn so với các đạo luật trước đây nhắm vào Nga. Hơn nữa, CAATSA không thể bị bãi bỏ chỉ bằng sắc lệnh của tổng thống mà cần có sự đồng ý của Quốc hội. CAATSA nhắm vào các ngành công nghiệp khai khoáng, đường sắt, đóng tàu và năng lượng của Nga.
Đặc biệt, đạo luật này còn nhắm tới các đối tác có các hoạt động mua bán, trao đổi vũ khí và thông tin tình báo với Nga. Nhà Trắng hiện vẫn chưa đưa ra được danh sách cụ thể các đối tác trong ngành công nghiệp quốc phòng của Nga, tuy nhiên nếu như gói cấm vận này được thực hiện nghiêm túc, nhiều đồng minh lẫn các đối tác lớn của Mỹ tại châu Á sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ.
Lệnh trừng phạt mà Tổng thống Trump (phải) đang nhắm vào Nga có thể tác động mạnh đến nhiều quốc gia đối tác quốc phòng của cả Nga và Mỹ ở châu Á. Ảnh: FINANCIALTRIBUNE.COM
Tác động kép của CAATSA với lợi ích của Mỹ
Trước Thượng viện, Bộ trưởng Mattis đã nêu rõ Ấn Độ, Indonesia... có khả năng bị ảnh hưởng bởi CAATSA. Các nước này đều có trang bị nhiều loại vũ khí Nga và xu hướng này sẽ còn kéo dài. Điều quan trọng hơn cả là các nước đều là đối tác quan trọng của Mỹ ở khu vực châu Á trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung đang ngày càng căng thẳng.
Ấn Độ đã trì hoãn thương vụ rất quan trọng với Nga, đó là mua năm hệ thống phòng không tối tân S-400 trị giá 6 tỉ USD do lo ngại CAATSA. Indonesia vừa ký kết thỏa thuận gần 1,4 tỉ USD để mua các máy bay Su-35 của Nga.
Bộ trưởng Mattis lo ngại nếu CAATSA không được sửa đổi cho phù hợp thì các thị trường vũ khí “béo bở” tại châu Á có thể hoàn toàn rơi vào tay của Nga. Các đối tác nhập khẩu nhiều vũ khí của Nga hiện cũng cố gắng tránh phụ thuộc quá nhiều vào một nhà cung cấp vũ khí duy nhất vì rủi ro chiến thuật. Nhưng nếu CAATSA được thực thi đầy đủ, Nga gần như sẽ trở thành lựa chọn duy nhất với các nước châu Á.
Ngoài ra, các đối tác quan trọng của Mỹ ở khu vực nếu quá trình hiện đại hóa quân đội hiệu quả, sở hữu tiềm lực quân sự đủ mạnh thì với Mỹ chỉ có lợi chứ không có hại. Như vậy nếu CAATSA nhắm vào các đối tác này sẽ phần nào làm chậm đi hoặc làm chệch hướng mọi tính toán chiến lược và chiến thuật của họ, bởi các hệ thống vũ khí của Nga và Mỹ có thể phối hợp nhịp nhàng. Như vậy có hại cho chiến lược của Mỹ tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Ở chiều ngược lại, CAATSA có thể trở thành “vũ khí bí mật” giúp Mỹ cạnh tranh thị phần vũ khí với Nga. Ví dụ, hiện Nga có kế hoạch bán hệ thống S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ. CAATSA nếu được thực thi có thể khiến chính quyền Ankara và các khách hàng tiềm năng khác của Moscow vì lo ngại Mỹ mà phải chùn chân.
Giải Nobel hòa bình ư? Tôi cho rằng Tổng thống Moon rất tốt bụng khi ông ấy đề xuất như vậy. Điều cốt yếu là tôi muốn đạt được hòa bình. Đó là vấn đề then chốt và tôi nghĩ nó sẽ tiến triển tốt. Tổng thống Mỹ Donald Trump nói trên AFP |
___________________________
(*) Hiện là học viên cao học tại Viện Nghiên cứu Đông Á, ĐH Duisburg-Essen (CHLB Đức