Với cáo buộc Nga đứng sau vụ hạ độc cựu điệp viên hai mang Sergei Skripal và con gái, Anh là nước châm ngòi những màn trục xuất các nhà ngoại giao giữa Nga và phương Tây. Dù từng triệu hồi đại sứ tại Nga về nước tham vấn, chính phủ Áo quyết định đứng bên ngoài làn sóng phương Tây trục xuất các nhà ngoại giao Nga. Hãng tin RT ngày 6-4 cho biết có gần 1/3 các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) chọn cách hành động như Áo.
Thủ tướng Sebastian Kurz nhấn mạnh Áo muốn duy trì vị thế trung lập và vai trò người điều đình giữa các bên. Theo ông, chính phủ Áo muốn tiếp tục giữ vai trò “xây dựng cầu nối”. “Chúng tôi hiện có mối quan hệ tốt đẹp với Nga. Chúng tôi là một nước trung lập, là nơi nhiều tổ chức quốc tế đặt trụ sở chính; hàng trăm nhà ngoại giao đến khu vực trung lập này để đối thoại. Đấy là lý do chúng tôi có thể phát triển vai trò cầu nối giữa các nước. Đáng ra chúng tôi có thể chọn cách khác, vẫn có nhiều tranh luận trái chiều về vụ việc. Tuy nhiên, tôi nghĩ chính phủ Áo đã lựa chọn đúng” - ông Kurz trả lời đài phát thanh Plus 4.
Các quan chức tại Vienna đã liên tiếp khẳng định sẽ không theo bước London dù chịu nhiều sức ép. Tuần qua, Ngoại trưởng Áo Karrin Kneissl xác nhận rằng đại sứ Anh đã nhiều lần bày tỏ thái độ không bằng lòng trước lập trường của Áo. Ông cho biết London đang tìm cách “ép buộc nước Áo có những hành động cụ thể” trong nghi án cựu điệp viên Nga bị hạ độc tại Salisbury.