Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 2-3 đã kéo dài các lệnh trừng phạt các cơ quan, công ty và cá nhân Nga thêm một năm. Gói lệnh trừng phạt này được Tổng thống tiền nhiệm Barack Obama ban hành tháng 3-2014 vì hành động của Nga quanh khủng hoảng chính trị ở Ukraine.
Trong thư gửi đến Quốc hội Mỹ, Tổng thống Trump thông báo Nhà Trắng sẽ tiếp tục xem tình hình Ukraine như “một sự đe dọa đặc biệt lớn với an ninh quốc gia và chính sách đối ngoại của Mỹ”, tương tự lời lẽ trong sắc lệnh trừng phạt ngày 6-3-2014 của Tổng thống Obama.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) quyết định kéo dài trừng phạt Nga, một ngày sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) cứng rắn về vũ khí hạt nhân. Ảnh: REUTERS
Từ năm 2014 đến nay, Mỹ đã nhiều lần mở rộng danh sách trừng phạt cá nhân và cơ quan, công ty Nga trong gói trừng phạt này. Lần mở rộng cuối cùng là vào tháng 1-2016 với 21 cá nhân và chín công ty Nga bị thêm vào. Gói trừng phạt ban đầu cấm các cá nhân và quan chức Nga di chuyển đến Mỹ. Sau đó gói trừng phạt được mở rộng ra cấm các cá nhân, công ty trong các lĩnh vực tài chính, năng lượng, quốc phòng Nga làm ăn với công dân Mỹ.
Theo thư, nếu không có thông báo mới nào từ Nhà Trắng, gói trừng phạt sẽ tự động hết hạn vào ngày kỷ niệm ngày Tổng thống Obama ra sắc lệnh ban đầu năm tới, tức ngày 6-3-2019.
Đây là lần thứ hai trong một tuần chính phủ Trump ra quyết định chính sách nhằm vào Nga. Ngày 1-3, Bộ Ngoại giao Nga thông báo đồng ý gói bán tên lửa chống tăng Javelin cho Ukraine nhưng còn chờ Quốc hội duyệt.
Quyết định kéo dài trừng phạt Nga của chính phủ Trump đến chỉ một ngày sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu thông điệp liên bang, thể hiện thái độ cứng rắn về vũ khí hạt nhân. Tổng thống Putin cảnh cáo: Nếu bị tấn công hạt nhân, Nga cũng không do dự đáp trả bằng vũ khí hạt nhân, đồng thời cho biết Nga có nhiều hệ thống vũ khí chiến lược tiên tiến mà Mỹ không đủ khả năng đối phó như tên lửa đạn đạo xuyên lục địa siêu thanh Sarmat, tên lửa hạt nhân hành trình.
Phát biểu của Tổng thống Putin nhanh chóng bị truyền thông phương Tây, đặc biệt là truyền thông Mỹ cáo buộc kích động chạy đua vũ trang. Tuy nhiên, trả lời phỏng vấn đài NBC (Mỹ) ngày 2-3, Tổng thống Putin bác bỏ cáo buộc này, cho rằng chính Tổng thống Mỹ George W. Bush mới là người kích động chạy đua vũ trang bằng việc rút khỏi Hiệp ước Chống tên lửa đạn đạo (ABM) năm 2002.
Cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: REUTERS
Theo Tổng thống Bush khi đó, hiệp ước này cản trở sự phòng vệ của Mỹ. Sau khi rút khỏi Hiệp ước ABM, trong những năm sau đó Mỹ bắt đầu mở rộng các hệ thống phòng chống tên lửa ở Romania và Ba Lan, lần đầu tiên triển khai hệ thống tên lửa tầm xa Patriot đến Lithuania tập trận.
Phía Nga đối phó bằng cách triển khai các hệ thống tên lửa tiên tiến Iskander đến vùng Kaliningrad. Trong cuộc phỏng vấn, Tổng thống Putin cho biết ông đã không thể ngồi yên khi các đề nghị hợp tác với Nga về phòng thủ tên lửa liên tục bị Mỹ từ chối.