Theo phía Mỹ, Trung Quốc đã cải tạo khoảng 2.000 mẫu đất ở các rạn và đảo san hô trong những năm gần đây một cách trái pháp luật với thái độ ngày càng hung hăng, hiếu chiến. Các đảo nhân tạo có thể được dùng để xây dựng các căn cứ quân sự, củng cố chủ quyền mà Bắc Kinh đã tuyên bố trong khu vực.
Tuy nhiên, khi phát biểu trước thềm cuộc đàm phán quan trọng giữa Mỹ-Trung, hai nhà khoa học hàng đầu Trung Quốc đã nói rằng mục đích chính của các hoạt động xây dựng đảo gây tranh cãi là để cải thiện chất lương dự báo thời tiết.
Theo Trung Quốc, đảo nhân tạo có thể cải thiện chất lượng dự báo thời tiết. (Ảnh: CSIS)
Trao đổi với tờ Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, Ông Ding Yihui của Học viện Kỹ thuật Trung Quốc cho biết: “Việc xây dựng cơ sở hạ tầng để quan sát và truyền thông là bước đầu tiên nhằm tăng cường và cải thiện giám sát khí tượng biển, cảnh báo, dự báo và nghiên cứu khoa học.”
Theo tờ SCMP, cũng trong cuộc phỏng vấn với Nhân dân Nhật báo, ông Zhen Gouguang, Cục trưởng Cục Khí tượng Trung Quốc cho biết, việc xây dựng các cơ sở khí tượng mới sẽ có lợi cho toàn bộ khu vực biển Đông, nơi thường phải chịu thiên tai do thời tiết khắc nghiệt.
Những phát biểu trên nhằm xoa dịu căng thẳng giữa các đại diện của Trung Quốc và Mỹ trước thềm cuộc Đối thoại chiến lược và kinh tế Mỹ - Trung thường niên sẽ diễn ra vào 23 và 24-6. Các hoạt động Bắc Kinh ở biển Đông dự kiến sẽ là chủ đề nóng trong cuộc đối thoại lần này.
Tàu hút bùn của Trung Quốc hoạt động trái phép ở Đá Vành Khăn, quần đảo Trường Sa. (Ảnh: Reuters)
Tuần trước Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel đã cho biết Washington rất lo ngại viễn cảnh Trung Quốc quân sự hóa các tiền đồn trên biển ở quần đảo Trường Sa một cách trái pháp luật. Ông nói: “Thành thật mà nói, chúng tôi rất quan ngại và những người khác cũng như vậy”.
Trước đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố các hoạt động cải tạo đất ở biển Đông gần như đã hoàn tất. Nước này nhấn mạnh dự án này sẽ đáp ứng các nhu cầu về quốc phòng quân sự, nhưng chủ yếu là để phục vụ cho mục đích dân sự, như tìm kiếm và cứu hộ hàng hải, nghiên cứu khoa học.