Trước thềm năm học 2017-2018, các trường ĐH cho biết sẽ rút ngắn thời gian đào tạo bậc ĐH còn 3,5 năm thay vì 4-6 năm như hiện tại. Trong khi đó các trường CĐ nhất quán rút ngắn thời gian đào tạo còn 2,5 năm thay vì ba năm.
Sắp xếp lại cách thi và cách học
Về lộ trình rút ngắn thời gian đào tạo bậc ĐH, ThS Phạm Thái Sơn, Phó Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, thông tin từ năm học 2017 trường bắt đầu áp dụng rút ngắn thời gian đào tạo tối thiểu còn 3,5 năm đối với bậc ĐH. Trong đó việc rút ngắn thời gian đào tạo không đơn giản là cắt xén cơ học nội dung các ngành mà sắp xếp lại thời gian và cách thức tổ chức học tập phù hợp hơn. Còn khối lượng kiến thức chuyên môn bình quân 120 tín chỉ/ngành vẫn giữ nguyên, chưa kể các môn giáo dục thể chất, kỹ năng.
Theo ông Sơn, việc rút ngắn thời gian đào tạo được sắp xếp theo hướng bố trí lại các học kỳ, trong đó kéo dài thời gian kỳ hè nhiều hơn. Thứ hai, cơ cấu lại việc thi, thay vì thi tự luận nay chuyển sang thi trắc nghiệm trên máy tính. Ngoài việc đánh giá thường kỳ các môn học, việc tổ chức thi định kỳ này được rút gọn, thí sinh có thể đăng ký thi nếu sắp xếp được lịch chứ không nhất thiết phải thi tập trung một lần. Thứ ba, các môn kỹ năng, giáo dục thể chất thay vì học tập trung, nay được tổ chức theo mô hình câu lạc bộ, sinh viên có thể đăng ký theo nhóm, học hành nhẹ nhàng hơn. Thứ tư, các kỳ thực hành, thực tập chuyển thành học kỳ doanh nghiệp kéo dài hơn. Học kỳ này sẽ do các doanh nghiệp đánh giá năng lực, kỹ năng trực tiếp. Điều này là điểm khác biệt so với trước đây, thực hành, thực tập xong phải quay về trường làm báo cáo, tăng thêm thời gian học tập.
Giảm lý thuyết, tăng thực hành là một trong các phương thức rút ngắn thời gian đào tạo ĐH, CĐ. Ảnh: P.ĐIỀN
Cẩn trọng rút ngắn
Các nhà tuyển dụng đánh giá việc rút ngắn thời gian học tập có ý nghĩa giúp sinh viên sớm tham gia vào thị trường lao động, vận dụng kiến thức học tập vào thực tiễn. Tuy nhiên, một số trường cho rằng cần có lộ trình và có bước đệm trước khi triển khai.
TS Nguyễn Thiên Tuế, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, cho biết hiện trường có 36 ngành và chuyên ngành đào tạo bậc ĐH. Bình quân các ngành có từ 137 tín chỉ (ngành kinh tế) đến 140 tín chỉ (ngành kỹ thuật) chưa bao gồm các môn khoa học cơ bản như toán, lý và bốn môn khác chiếm thời lượng khá lớn như những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin, giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng. Đồng thời nhiều ngành đào tạo của trường đã được kiểm định trong nước và thế giới. Theo lộ trình từ nay đến năm 2023, tất cả 36 ngành trường đang đào tạo sẽ được kiểm định hết nên kết cấu các chương trình đã sát. “Các chương trình trường đang đào tạo được tham khảo chuẩn thiết kế của các trường ĐH trên thế giới, hiện thời lượng đào tạo tiệm cận các nước khu vực. Theo đó, trường vẫn giữ thời gian đào tạo đối với bậc ĐH là bốn năm” - TS Tuế nói.
Theo ông Tuế, hiện các chương trình đào tạo bậc ĐH của nhà trường đã được điều chỉnh theo hướng giảm lý thuyết, tăng thực hành và các kỹ năng tối đa để tăng kiến thức, kỹ năng thực tiễn, thực tế đối với người học, sát nhu cầu thị trường lao động.
Y khoa không đổi Vừa rồi có cuộc họp với các hiệu trưởng, trường đã có kiến nghị không rút ngắn thời gian đào tạo đối với ngành y vì học ngành này cần có kiến thức chuyên sâu và học hành bài bản nên vẫn giữ nguyên thời gian đào tạo sáu năm. PGS-TS NGÔ MINH XUÂN, Sư phạm vẫn giữ bốn năm Khung cơ cấu giáo dục quốc dân đã ban hành nhưng chưa có hướng dẫn cụ thể nào từ Bộ GD&ĐT nên trong năm học này trường vẫn giữ nguyên thời gian đào tạo bốn năm. Thời gian đào tạo bốn năm sẽ thong thả hơn, nếu rút ngắn lại sẽ phải tính toán rất chi ly, nếu làm không khoa học sẽ áp lực học tập cho sinh viên và quản lý nhà trường. TS MỴ GIANG SƠN, |
ThS Nguyễn Văn Đương, Phó Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cho biết trường đang định hướng thời gian đào tạo bậc ĐH rút ngắn còn 3,5 năm thay vì bốn năm như hiện nay. Tuy nhiên, trường chưa áp dụng trong năm học này. “Trước mắt, trường tập trung rà soát toàn bộ các ngành đang đào tạo để thiết kế cho phù hợp với lộ trình rút ngắn thời gian đào tạo. Trong đó có việc tích hợp một số môn học” - ông Đương nói.
Theo ông Đương, về tổng thể khối lượng kiến thức các ngành đào tạo không cắt giảm sâu, vì làm không khoa học sẽ hụt kiến thức đối với sinh viên. Do vậy, để đảm bảo lượng kiến thức, cần tính toán ép thời gian từ từ để điều chỉnh và có bước đệm chứ không làm vội được. Bình quân các ngành có 120-125 tín chỉ, trong đó có 10 tín chỉ thực tập, thực hành nằm trong phần kiến thức chính. Ngoài ra còn có các môn giáo dục quốc phòng, giáo dục thể chất cũng chiếm một thời lượng khá lớn.
Cao đẳng giảm còn hai năm TS Nguyễn Văn Hưng, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Kỹ nghệ 2, cho biết trường đã rút ngắn thời gian đào tạo bậc CĐ từ ba năm xuống còn hai năm. Để thực hiện việc rút ngắn thời gian học tập, nhà trường thiết kế giảm sâu phần lý thuyết, tăng phần thực hành và kỹ năng nghề, kỹ năng mềm. Trong đó, phần thực hành trực tiếp tại doanh nghiệp, báo cáo của sinh viên do doanh nghiệp và giáo viên phối hợp đánh giá, nhận xét nên không tốn nhiều thời gian quay về nhà trường như trước đây. Tương tự, TS Lê Lâm, Hiệu trưởng Trường CĐ Đại Việt Sài Gòn, thông tin trường đang rà soát để rút ngắn thời gian đào tạo các ngành kinh tế, du lịch, còn các ngành kỹ thuật, chăm sóc sức khỏe vẫn duy trì thời gian đào tạo ba năm vì cần sự chuyên sâu về kiến thức chuyên môn. |