Nhiều phụ huynh sau khi cho trẻ đi tiêm về, thấy con sốt, vết tiêm tấy đỏ liền đắp lá, khoai tây hoặc lòng trắng trứng gà… vào vị trí vết tiêm.
PGS-TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc BV Nhi Trung ương, cho biết việc làm này là sai lầm, đắp những thứ trên lên vết tiêm hở có thể sẽ bị vi khuẩn tấn công, gây nên tình trạng nhiễm khuẩn huyết vô cùng nguy hiểm.
Theo PGS-TS Điển, hầu hết các phản ứng của vaccine sau tiêm như sốt, sưng, nóng, đỏ, đau... là nhẹ và tự khỏi. Chẳng hạn, phản ứng thông thường sau tiêm vaccine DPT có thành phần ho gà toàn tế bào thường là phản ứng tại chỗ (sưng, đỏ, đau) lên tới 50%. Sốt (>38ºC): lên tới 50%, các triệu chứng toàn thân, kích thích, khó chịu, quấy khóc lên tới 60%.
"Một số phản ứng nặng sau tiêm vaccine có thể do trẻ mắc các bệnh trùng hợp ngẫu nhiên hay gặp ở trẻ nhỏ như tim bẩm sinh, sặc sữa, nhiễm trùng huyết, đột tử, xuất huyết não… Do đó sau tiêm chủng, phụ huynh nên chú ý các dấu hiệu cần theo dõi như tinh thần; tình trạng ăn, ngủ, nhiệt độ, phát ban, biểu hiện tại chỗ tiêm (sưng, đỏ…) của trẻ. Nên nhớ không đắp bất cứ thứ gì vào vị trí tiêm. Đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế khi có các dấu hiệu: Sốt cao >39ºC, khó hạ nhiệt độ hoặc sốt kéo dài hơn 24 giờ. Quấy khóc dai dẳng, kích thích vật vã, lừ đừ..." - ông Điển khuyến cáo.
Cạnh đó, ông Điển nhấn mạnh với những trẻ sốt cần cặp nhiệt độ, theo dõi sát, chườm nước ấm, nới rộng quần áo cho thoáng. Không nên dùng các loại thuốc lá, cây… khi chưa có chỉ định của nhân viên y tế.