Nhiều quan tài bị tịch thu và đập vỡ sau khi giới chức tỉnh Giang Tây, phía Đông Nam Trung Quốc ban hành chính sách cấm người dân chôn cất người thân qua đời đã dấy lên làn sóng phẫn nộ từ người dân địa phương và bị truyền thông mô tả là “man rợ và không có tính quần chúng”, theo tờ Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng (SCMP).
Hàng ngàn quan tài bị đập vỡ và thiêu rụi. Ảnh: Weibo
Chính quyền khu vực nông thôn tỉnh Giang Tây ban hành chính sách "không chôn cất" cách đây sáu tháng, nhằm biến hỏa táng thành phương pháp an táng duy nhất để bảo vệ tài nguyên đất và ngăn tình trạng tổ chức tang lễ tốn kém. Chính sách với mục đích bảo tồn tài nguyên đất này đi quá xa khi những chiếc quan tài nhiều gia đình nghèo đã mất thời gian tiết kiệm để mua bị tịch thu hoặc phá hủy. Nhiều thành phố khắp tỉnh Giang Tây đặt thời hạn sẽ trở thành nơi “chỉ hỏa táng” vào tháng 9.
Trong nhiều hình ảnh và video chia sẻ trên mạng xã hội Trung Quốc cuối tuần qua, các quan chức được nhìn thấy đi vào những ngôi làng ở thành phố Ganzhou, Jian và Yichun, mang hàng ngàn quan tài ra khỏi nhà dân tới điểm tập kết và đập vỡ bằng máy xúc. Nhiều người lớn tuổi cố gắng ngăn họ bằng cách nằm vào bên trong những chiếc hòm gỗ đang bị kéo đi.
Kể từ chính sách “không chôn cất” được ban bố, việc sở hữu và sản xuất quan tài đã bị cấm. Theo lời kêu gọi của chính quyền, hơn 5.800 người từ 24 ngôi làng và thị trấn ở huyện Gaoan, Giang Tây đã tự nguyện giao nộp quan tài, cổng thổng tin Thepaper.cn của Trung Quốc tháng trước đưa tin. Mỗi người dân được trả 2.000 tệ (290 USD) cho mỗi chiếc nộp cho chính quyền.
Những cỗ quan tài chờ bị đập vỡ. Ảnh: SCMP
Tuy nhiên, không phải ai cũng sẵn sàng giao chúng cho chính quyền, buộc giới chức phải áp dụng biện pháp cưỡng chế. Một người đàn ông 29 tuổi từ một ngôi làng hẻo lánh ở Jian hôm 29-7 cho biết quan chức đã tịch thu hai quan tài từ nhà ông bà của anh.
“Chúng được cất giữ trong nhà thờ tổ tiên và đã ở cùng ông bà tôi hơn 30 năm. Thợ mộc dùng gỗ trồng trên đất của chúng tôi để đóng chúng" - anh nói.
Ở nông thôn Trung Quốc, người dân có truyền thống lâu đời là đóng quan tài, sau đó cất giữ tại nhà với hy vọng mang đến cho họ tuổi thọ và may mắn. Những người nghèo phải mất nhiều năm để tiết kiệm được 5.000 tệ (730 USD) hoặc nhiều hơn để đóng chiếc hòm gỗ đề phòng khi nằm xuống, vì vậy người dân cho rằng xét từ góc độ tài chính, 2.000 tệ bồi thường là không công bằng.
Người đàn ông trên còn cho hay chính quyền địa phương còn cấm tất cả những nghi thức tang lễ liên quan đến chôn cất. "Đó là điều tồi tệ nhất ở Jian. Họ không chỉ tịch thu quan tài mà còn cấm các truyền thống như bia mộ, vàng mã" - anh nói.
Chính quyền huyện Yiyang hồi tháng 4 đã khai quật thi thể một người chết vì vi phạm chính sách "chỉ hỏa táng", theo Jiangxi Daily. Dù Chủ tịch tỉnh Giang Tây Liu Qi ca ngợi "mô hình cải cách tang lễ" thúc đẩy tiến bộ xã hội, truyền thông nhà nước Trung Quốc hôm 30-7 chỉ trích chính sách này là "man rợ và không có tính quần chúng". Bài báo trên Nhân dân Nhật báo - cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc và Guang Ming Daily hối thúc chính quyền Giang Tây xem xét lại việc cải cách tang lễ.
Những chiếc quan tài được chất lên xe đến nơi đập vỡ. Ảnh: YOUKU
"Có bất kỳ lý do nào để thực hiện một động thái mạnh tay và thậm chí là man rợ như vậy không? Thậm chí nếu cải cách tang lễ được thực hiện một cách hiệu quả, trái tim của người dân cũng bị tổn thương và chính quyền thì mất tín nhiệm. Sự oán giận sẽ gây nên tình trạng mất ổn định" - bài báo trên Nhân dân Nhật báo có đoạn.
Lu Liangbiao, người gốc Quảng Tây làm luật sư ở Bắc Kinh, kêu gọi chính quyền Giang Tây nên phối hợp với người dân trong quá trình cải cách và đảm bảo rằng mọi người nhận được bồi thường đầy đủ cho bất kỳ tổn thất nào họ phải gánh chịu. "Ý định của chính quyền là đưa ra cách thực hiện tang lễ thân thiện với môi trường nhưng họ đã đi quá mức và gây ra oán giận" - Lu nói.