Theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, từ năm học 2022-2023, ở bậc THPT, lịch sử trở thành môn học lựa chọn. Học sinh THPT có thể chọn học hoặc không đối với môn này. Những tranh luận về vấn đề trên đang đòi hỏi cái nhìn sâu rộng hơn về môn lịch sử.
Theo Nghị quyết 88 năm 2014 của Quốc hội, giáo dục phổ thông gồm hai giai đoạn: Giáo dục cơ bản (gồm tiểu học và THCS) và giáo dục định hướng nghề nghiệp (THPT). Với cơ sở ấy, có thể nói đây không phải là lúc tranh luận về vấn đề lịch sử có nên trở thành môn lựa chọn đối với học sinh THPT hay không.
Khi mới đi học, tôi đã nghe những người lớp trước liệt lịch sử vào nhóm “môn học thuộc”. Trước mỗi kỳ thi, chỉ cần buổi sáng dậy sớm nhẩm đi nhẩm lại là “thuộc bài” và đạt điểm cao. Để rồi, sau mỗi kỳ thi ấy, chuỗi con số, sự kiện… bay khỏi đầu một cách tự nhiên…
Nghịch lý ở chỗ, càng lớn lên, để làm được công việc của mình, sống tốt trong cuộc đời, tôi phải tìm hiểu lịch sử thật nhiều. Từ những câu chuyện lịch sử đó, tự đúc rút bài học, mở mang tri thức và nhờ vậy giải quyết công việc, hành xử trong cuộc sống tốt hơn.
Chợt nhận thấy mấy nghịch lý nữa: Những kiến thức lịch sử thiết thực cho cuộc sống lại không chỉ là phần tìm thấy trong sách giáo khoa. Nhiều người đam mê tìm hiểu lịch sử để nâng cao nhận thức lại không phải học sinh đạt điểm cao môn lịch sử trước đây.
Lịch sử xét cho cùng là tổng hòa, là sự đúc kết tinh hoa của các ngành khoa học khác. Xã hội thiếu tư duy và kiến thức lịch sử cũng như con người không có trí nhớ, không thể sống cuộc đời bình thường.
Với tầm ảnh hưởng sâu rộng ấy, hai chữ “lịch sử” cần được hiểu là “khoa học lịch sử” chứ không thuần túy là “môn lịch sử” trong sách giáo khoa. Mỗi chúng ta cần học lịch sử đồng thời là thầy dạy lịch sử từng ngày cho nhau, cho thế hệ sau bằng mọi hình thức, phương tiện. Trong nhà trường, khoa học lịch sử không chỉ gói trong môn lịch sử mà cần được lan tỏa sinh động ở tất cả môn: Văn học, toán học, ngoại ngữ, giáo dục địa phương, giáo dục quốc phòng và an ninh…
Hãy thiết kế nội dung dạy lịch sử theo cách chúng ta muốn tiếp nhận kiến thức này hằng ngày, bằng cách tiết giảm những con số thống kê khô khan, vô vị và truyền tải câu chuyện có cảm xúc, gắn với kỷ niệm, lồng ghép thông điệp dễ đón nhận.
Chỉ khi mỗi thành viên trong xã hội từ tấm bé đã phải học, cần học và thích học lịch sử thì chúng ta mới không phải bàn nhiều về việc môn lịch sử (một lát cắt của khoa học lịch sử) có cần bắt buộc. Đồng thời, những nhà hoạch định chương trình sách giáo khoa, xây dựng đề thi, giáo viên trực tiếp đứng lớp sẽ biết cần làm gì để khoa học lịch sử thực sự phục vụ cho nhu cầu thiết thực, đi từ trực quan đến khái quát theo đúng quy luật nhận thức của con người.