Đất hiếm Việt Nam hấp dẫn thế giới ra sao?

(PLO)- Với trữ lượng đất hiếm đứng thứ hai thế giới, nhiều tập đoàn đang muốn cùng Việt Nam khai thác nguồn khoáng sản quý giá này.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Một nghiên cứu vào năm 2022 của Tập đoàn Marsh McLennan (Mỹ) cho biết, Trung Quốc chỉ có khoảng 1/3 trữ lượng đất hiếm của thế giới nhưng nước này hiện kiểm soát hơn 60% hoạt động khai thác đất hiếm và 85% công suất chế biến trên toàn thế giới.

Nhiều đối tác quốc tế vô cùng quan tâm

Cơ quan Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ (USGS) ước tính Việt Nam có trữ lượng đất hiếm lớn thứ hai thế giới sau Trung Quốc và phần lớn chúng vẫn chưa được khai thác.

Thực tế, nhiều nước đặt vấn đề hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực khai thác nguồn đất hiếm. Sau khi Mỹ và Việt Nam nâng cấp mối quan hệ ngoại giao lên đối tác chiến lược toàn diện thì phía Mỹ cũng đã cam kết hỗ trợ về mặt kỹ thuật giúp Việt Nam khai thác đất hiếm.

đất hiếm
Xe điện không thể hoạt động nếu thiếu đất hiếm.

Bộ Công nghiệp Hàn Quốc cho biết, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ ba của Hàn Quốc vào năm 2022. Hai bên ngày càng có nhiều cơ hội hợp tác hơn nữa trong nhiều ngành công nghiệp, đặc biệt là khoáng sản.

Các đại gia sản xuất nam châm là Star Group Industrial (SGI) của Hàn Quốc và Baotou INST Magnet, một nhà cung cấp của Apple, chuyên sản xuất nam châm cung cấp cho máy tính, điện thoại thông minh đang có kế hoạch mở nhà máy tại Việt Nam.

Sức hấp dẫn của Việt Nam nằm ở trữ lượng đất hiếm để sản xuất nam châm. Nam châm được xem là cốt lõi cho các ngành sản xuất xe điện, pin điện, điện thoại thông minh.

Các kế hoạch đầu tư, tăng cường sản lượng

Dự án SGI Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2025 sản xuất sản lượng 5.000 tấn nam châm cao cấp mỗi năm, đủ cung cấp cho 2 triệu ô tô điện.

Một công ty Nhật là Shin-Etsu Chemical hoạt động tại Việt Nam từ năm 2017 đã có quyết định mở rộng công suất sản xuất nam châm lên gấp đôi là 2.200 tấn.

Theo các chuyên gia, đất hiếm được xem là nguồn tài nguyên cơ bản quan trọng của công nghệ cao, cũng như đóng vai trò quan trọng trong an ninh và chiến lược quốc gia.

Các nguyên tố đất hiếm là không thể thay thế trong sản phẩm công nghệ cao như điện thoại di động, máy tính, xe điện… cũng như ngành công nghiệp quân sự và hạt nhân. Do đó, chúng đã trở thành tài nguyên chiến lược quốc gia của nhiều nước trên thế giới.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm