Dầu ăn, bột ngọt, muối... thi nhau tăng giá

(PLO)- Chi phí vận chuyển, nhập khẩu nguyên liệu ngày một tăng kéo theo giá bán của các mặt hàng thực phẩm, gia vị... cũng ngày càng tăng cao.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Giá xăng dầu trong nước liên tục tăng cùng với chi phí vật tư, nguyên liệu chăn nuôi tăng cao…đã khiến nhiều doanh nghiệp lẫn người tiêu dùng rơi vào tình cảnh chật vật trong cơn bão giá.

Hàng hóa tăng cao

Ghi nhận của PV tại các chợ dân sinh ở TP.HCM như Thạch Đà (Gò Vấp), Căn Cứ (Gò Vấp), chợ Ông Địa, chợ Phạm Văn Hai (quận Tân Bình) giá bán lẻ trứng gà thời gian gần đây tăng cao.

Giá trứng tại một số tiệm tạp hóa ở mức 35.000 đồng/chục đối với loại lớn, trứng cỡ nhỏ hơn cũng quanh mức 30.000 đồng/chục, trứng vịt ở mức 35.000 - 40.000 đồng/chục tùy kích cỡ. Mức giá này so với thời điểm cách đây 6 tháng đã tăng đến hơn 50%.

Tại siêu thị Emart, giá 10 quả trứng gà hiệu Wyn size XL có giá 37.500 đồng, còn hiệu Ba Huân có giá 34.000 đồng/chục, siêu thị MM Mega Market trên website trứng gà Ba Huân cỡ 65g/quả có giá 42.000 đồng/chục, trứng gà Ba Huân cỡ 60g/quả giá 33.000 đồng/chục, trứng gà Happy cỡ 55g/quả 31.500 đồng/ chục.

Trong khi đó, giá một số sản phẩm gia vị cũng tăng chóng mặt, đặc biệt là dầu ăn. Cô Kim Thanh, chủ tiệm tạp hóa tại phường 9, Gò Vấp cho biết, giá dầu ăn đã tăng hơn 50% so với đầu năm. Theo đó, giá mỗi lít dầu ăn đều ở mức trên 55.000 đồng/lít.

“Dầu ăn là mặt hàng tăng giá chóng mặt nhất hiện nay, cứ dăm bữa nửa tháng là đầu mối lại thông báo giá dầu ăn mới. Cứ mỗi lần như vậy mình phải cân đối giữa hàng giá cũ và hàng giá mới để bán lẻ sao cho người mua không thấy bị quá cao so với siêu thị hay chỗ bán khác” - cô Kim Thanh cho biết.

Theo đó, dầu ăn Simply đã tăng từ 64.000 đồng/lít lên 70.000 đồng/lít; mức tăng này tương tự ở dòng sản phẩm Tường An, dầu Cái Lân từ 48.000 đồng/lít lên 50.000 đồng/lít.

Ngoài ra nước mắm Chinsu, Liên Thành, Nam Ngư, Hưng Thịnh, Hồng Hạnh tăng 2.000 - 3.000 đồng/chai, bột ngọt tăng 4.000- 5.000 đồng/kg, đường tăng từ 2.500 – 3.000 đồng/kg.

Không những thế, giá các loại gạo cũng tăng từ 1.000 – 2.000 đồng tùy loại, giá đậu đen đậu đen tăng 4.000 - 5.000 đồng/kg, lên mức 45.000 đồng/kg; đậu ván tăng 4.000 đồng/kg, lên 32.000 đồng/kg.

Với mức tăng này, nhiều hàng quán tại TP.HCM cũng dán thông báo tăng giá sản phẩm.

Một quán ăn dán thông báo tăng giá sản phẩm vì giá thực phẩm tăng cao. ẢNH: THU HÀ

Một quán ăn dán thông báo tăng giá sản phẩm vì giá thực phẩm tăng cao. ẢNH: THU HÀ

Bà Trường Loan, chủ quán ăn tại phường 8, Gò Vấp chia sẻ vì giá thực phẩm tăng cao nên quán phải tăng giá một số sản phẩm như bún riêu tăng 2.000 đồng/ tô lên 32.000 đồng, bún bò tăng 3.000 đồng/tô lên 38.000 đồng.

"Việc tăng giá là để cân bằng các khoản chi, chứ không phải tăng lời. Sau dịch tôi nghĩ là người dân sẽ tăng ăn uống, mua sắm trở lại nhưng thực chất sức mua hiện không tăng nhiều. Mọi người chủ yếu ăn uống tại nhà để tiết giảm chi phí nên kinh doanh không được như trước" - vị chủ quán phân trần.

Doanh nghiệp chật vật giữa cơn bão giá

Đại diện Công ty Cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan) cho biết hiện nay giá thực phẩm tươi sống đang được công ty giữ nguyên ở mức bình ổn.

Tuy nhiên, vì giá nguyên liệu đầu vào hiện nay đã tăng tới 30-40%, cùng với đó giá heo hơi tăng nên thực phẩm chế biến công ty như thực phẩm đóng hộp, xúc xúc các loại buộc phải tăng giá bán từ 5-15% tùy sản phẩm. Mức giá mới sẽ được áp dụng từ 1-6.

Thông tin từ Công ty Saigon Food (TP.HCM) cũng cho thấy hiện nay nhiều sản phẩm thực phẩm chế biến của công ty đã tăng từ 5 - 15% sau thời gian kìm giá.

Không chỉ doanh nghiệp sản xuất, chuỗi các nhà hàng thực phẩm cũng buộc phải thông báo tăng giá bán. Từ giữa tháng 4 vừa qua, chuỗi Pizza 4P’s với 24 chi nhánh trên toàn quốc đã thông báo điều chỉnh giá bán vì chi phí nguyên vật liệu tăng cao.

"Chúng tôi đã phải đi đến quyết định này nhằm đảm bảo mang đến món ăn và dịch vụ tốt nhất" - đại diện chuỗi nhà hàng pizza này lý giải.

Tương tự, đại diện một chuỗi trà và thức uống tại TP.HCM cũng thừa nhận giá nguyên vật liệu đầu vào đã tăng từ 10-15% mỗi loại, kể cả ống hút và bao bì đựng sản phẩm.

Đáng chú ý, theo đơn vị này giá bột mì cùng các nguyên liệu làm bánh khác cũng tăng đến 50% so với trước đây. Tuy nhiên, giá bán hiện tại vẫn phải giữ nguyên để giữ chân khách hàng.

“Từ đầu năm tới nay, chúng tôi chấp nhận giảm lợi nhuận, không tăng giá sản phẩm để giữ chân khách hàng. Tuy nhiên, quý III tới đây nếu giá cả nguyên liệu còn tăng chúng tôi sẽ trình ban lãnh đạo về việc cân nhắc tăng giá sản phẩm” - đại diện chuỗi trà và thức uống này cho biết.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm