Sáng 28-10, Quốc hội (QH) đã nghe và thảo luận tại hội trường về Báo cáo của Đoàn giám sát của QH việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội giai đoạn năm 2015-2023.
Tại phiên thảo luận, các đại biểu (ĐB) QH cho rằng thời gian qua các phiên đấu giá đất tại ngoại thành Hà Nội diễn biến rất bất thường, giá trúng đấu giá cao 8-18 lần so với giá khởi điểm, sau đó lại diễn ra tình trạng bỏ cọc hàng loạt.
Đây là những dấu hiệu chỉ rõ có tình trạng đầu cơ, thổi giá, đẩy giá trong đấu giá đất - một trong những nguyên nhân chính dẫn tới giá nhà đất tăng cao “vô lý và bất thường” thời gian qua.
Đề xuất giải pháp ngăn chặn việc bỏ cọc trong đấu giá đất, ĐBQH Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) cho rằng không nên tăng tiền đặt cọc vì nếu tăng sẽ hạn chế số người tham gia, mất đi tính cạnh tranh.
Do vậy, cần đưa ra quy định người tham gia đấu giá phải chứng minh đủ tiền để mua nếu trúng đấu giá, bằng việc xác nhận tài khoản tiền gửi ngân hàng hoặc tài sản bảo đảm khác như nhà đất, phải cam kết nếu cố tình bỏ cọc sẽ bị phong tỏa các tài sản trên để xử lý.
“Nếu có quy định như thế thì những người có nhu cầu mua thật sẽ dễ dàng chứng minh được, đồng thời sẽ loại bỏ được những người không có nhu cầu sử dụng, tham gia đấu giá để mua đi bán lại hoặc những người cố tình bỏ giá cao rồi bỏ cọc như vừa qua” – ĐB Cường đề nghị.
Đề xuất này được ĐBQH Dương Văn Phước (đoàn Quảng Nam) giơ tranh luận lại. Ông dẫn chứng các cuộc đấu giá cát ở Quảng Nam, đấu giá đất ở Thanh Oai (Hà Nội) và nhận xét nếu để mức cọc quá thấp thì “họ sẵn sàng bỏ cọc để đạt được ý đồ độc quyền, lũng đoạn, đưa giá lên cao”.
“Đấu giá không thực chất sẽ trở thành công cụ để lũng đoạn, thị trường mua bán là nơi để trục lợi, chúng ta cần phải nghiêm trị” – ĐB Phước nói và đề nghị tăng giá đặt cọc, tăng tiền đặt cọc lũy tiến sau từng vòng đấu để người đấu giá phải cân nhắc khi bỏ cọc.
Đồng thời, cần có chế tài mạnh để cấm các tổ chức, cá nhân này tiếp tục đấu giá trên lĩnh vực họ đã vi phạm, có như vậy mới hạn chế được các trường hợp này.
Phản hồi lại, ĐBQH Hoàng Văn Cường vẫn giữ quan điểm của mình. “Chúng ta tăng phí đặt cọc lên thì càng tăng thêm chi phí, đồng nghĩa sẽ càng ít người tham gia đấu giá. Do vậy, tôi cho rằng không nên tăng mức đặt cọc nhưng chúng ta lại phải tăng điều kiện để anh tham gia đấu giá” - ông nhấn mạnh.
Ông Cường phân tích thu hồi phần cọc 20% so với giá khởi điểm của tài sản đấu giá cũng không thấm tháp gì. Thay vào đó nên yêu cầu cá nhân, tổ chức tham gia đấu giá phải chứng minh, có tiền đảm bảo ở ngân hàng hoặc các tài sản đảm bảo khác.
Đồng thời, phải quy định "nếu anh bỏ giá nhưng sau đó bỏ cọc thì sẽ bị xử lý bằng tài sản anh có tương đương với giá trị bỏ giá thắng cuộc trong đấu giá. Như vậy, anh trả giá cao lên bao nhiêu cũng được nhưng khi bỏ cọc thì tài sản của anh sẽ bị đưa ra tòa để xử lý".
“Có như vậy, chúng ta sẽ lọc được những người tham gia đấu giá là những người thực sự muốn mua và ngăn chặn được tình trạng bỏ cọc như thời gian qua” – ông Cường nói.