Đâu là công lý?

Việc cơ quan điều tra ra quyết định đình chỉ điều tra vì đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là hoàn toàn đúng quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 1988. Vấn đề là vì sao vụ việc lại hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự?

Công an lý giải “vì đã hết thời hạn điều tra”. Theo Bộ luật Tố tụng hình sự năm 1988, thời hạn điều tra đối với trường hợp của ông Mười Thêm tối đa không quá tám tháng. Luật cũng quy định trong thời hạn điều tra, cơ quan điều tra phải ra kết luận điều tra, đề nghị truy tố hoặc khi đã hết thời gian gia hạn điều tra mà không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm thì cơ quan điều tra phải ra quyết định đình chỉ điều tra.

Như vậy, tại sao sau khi tòa phúc thẩm hủy án sơ thẩm, trả hồ sơ đề điều tra, xét xử lại từ đầu (tháng 9-1990), cơ quan điều tra lại không thực thi đúng các quy định về thời hạn trên? Tại sao sau khi đã hết thời hạn điều tra, cơ quan điều tra lại không hề có động thái tố tụng nào mà “ngâm” vụ án cho mãi đến tháng 1-2010, cho đến khi vụ việc đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự mới ký quyết định đình chỉ điều tra?

Suốt gần 20 năm này, ông Mười Thêm vẫn sinh sống ở địa phương, vẫn đều đều đi khiếu nại. Trách nhiệm của cơ quan bảo vệ pháp luật ở đâu khi để mặc ông lơ lửng với thân phận bị can trong vòng tố tụng gần 20 năm trời?

Nhìn lại vụ án, ông Mười Thêm bị khởi tố, bắt tạm giam chỉ vì không chịu giao cho chính quyền địa phương mảnh đất mà ông được cha mẹ vợ tặng cho. Đến khi ông chịu giao đất thì được tạm tha, rồi vụ việc “chìm xuồng” .

Phải chăng, việc xử lý hình sự đối với ông chỉ để ép ông phải giao đất? Phải chăng, vì cơ quan điều tra nóng vội khởi tố, bắt bớ, kết án, đến khi bị tòa phúc thẩm hủy án vì việc buộc tội thiếu cơ sở thì không chứng minh được tội phạm nên để mặc vụ án?

Với lý do đình chỉ điều tra được ghi bằng “giấy trắng mực đen” của cơ quan điều tra, không khó để nhận thấy trường hợp của ông Mười Thêm sẽ không được bồi thường oan bởi không nằm trong phạm vi bồi thường mà Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước quy định.

Vậy mà cầm hai cái quyết định đình chỉ điều tra, người lão nông này đã từng mừng trào nước mắt, cứ ngỡ mình được minh oan rồi. Lúc ấy, ông vui mừng cũng phải, bởi đất thì không còn, bản thân thì bị cuốn vào vòng tố tụng một cách oan uổng qua bao tháng năm dằng dặc.

Nhìn căn nhà cũ nát trống hơ trống hoác, ông rầu giọng: “Năm 2003, vợ tui qua đời trong nghèo khó vì tốn không biết bao nhiêu tiền bạc để tui đi kiện, bỏ tui sống một mình với đứa con nuôi còn nhỏ xíu. Năm 2008, tui tiếp tục cầm cố căn nhà này lấy 200 triệu đồng để lấy tiền cho hai cha con chi xài vài năm và tiếp tục đi kêu oan. Tôi đâu còn đất đai, cũng không làm nghề gì để có tiền trả lãi mỗi tháng 6 triệu đồng nên phải lấy vốn vay đi trả lãi, chừng nào không còn trả được thì chắc phải giao nhà cho chủ nợ”.

Thật tội nghiệp cho ông!

TRẦM NGUYÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm