Đấu thầu, quản lý đất đai… còn nhiều lỗ hổng

(PLO)- Nhiều người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước lợi dụng những lỗ hổng của pháp luật để trục lợi.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Hôm nay (13-9), phiên họp thứ 26 Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về các báo cáo trong lĩnh vực tư pháp, trong đó có báo cáo về công tác phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật của Chính phủ.

Kinh tế khó khăn, tội phạm gia tăng

Cơ quan thẩm tra bản báo cáo trên là Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cơ bản tán thành với nhiều nhận định, đánh giá của Chính phủ. Theo đó, những khó khăn về kinh tế - xã hội tích tụ sau hai năm đại dịch COVID-19, nhất là về đời sống, việc làm, thu nhập của một bộ phận người dân, đã tác động mạnh đến tình hình vi phạm pháp luật, tội phạm, cũng như hiệu quả hoạt động của các cơ quan chức năng.

Ngày 14-8-2022, HĐXX tuyên án đối với các bị cáo trong vụ tha người trái pháp luật và nhận hối lộ xảy ra tại Công an quận Tây Hồ, Hà Nội. Ảnh: UYÊN TRANG

Ngày 14-8-2022, HĐXX tuyên án đối với các bị cáo trong vụ tha người trái pháp luật và nhận hối lộ xảy ra tại Công an quận Tây Hồ, Hà Nội. Ảnh: UYÊN TRANG

“Mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng tổng thể chung, tội phạm gia tăng cả về số vụ, số người chết và thiệt hại tài sản do tội phạm gây ra” - báo cáo thẩm tra đánh giá.

Theo Ủy ban Tư pháp, hầu hết các loại tội phạm đều tăng, trong đó một số loại tội phạm tăng mạnh như giết người tăng hơn 20%, cướp tài sản tăng gần 54%, lừa đảo chiếm đoạt tài sản tăng hơn 57%, cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự tăng hơn 92%, gây rối trật tự công cộng tăng hơn 88%...

“Điều này không chỉ gây bất an trong dư luận nhân dân về trật tự, an toàn xã hội mà còn thể hiện sự hạn chế trong công tác phòng ngừa tội phạm trên một số lĩnh vực” - báo cáo thẩm tra nêu.

Ủy ban Tư pháp cũng lưu ý trong năm đã xảy ra vụ nhiều đối tượng thực hiện hành vi khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng về tính mạng, sức khỏe của nhiều cán bộ, người dân, ảnh hưởng lớn đến tình hình an ninh, chính trị tại địa phương. Điển hình là vụ tấn công vào trụ sở UBND hai xã Ea Tiêu, Ea Ktur (huyện Cư Kuin, Đắk Lắk) hồi giữa tháng 6-2023.

Công tác quản lý nhà nước, phòng ngừa tham nhũng trên nhiều lĩnh vực như đấu thầu, mua sắm công, quản lý tài sản công; quản lý đất đai… vẫn còn hạn chế.

Số vụ nhận hối lộ được phát hiện tăng hơn 312%

Đáng chú ý, Ủy ban Tư pháp nhận định “công tác quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực còn một số bất cập, dẫn đến các đối tượng lợi dụng để thực hiện hành vi phạm tội”. Cụ thể, công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực như đăng kiểm phương tiện giao thông, đào tạo và sát hạch lái xe; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy phép khai thác khoáng sản; cấp phiếu lý lịch tư pháp... còn nhiều sơ hở.

“Nhiều đối tượng lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi, nhận hối lộ” - Ủy ban Tư pháp lưu ý các hành vi vi phạm nói trên kéo dài trong nhiều năm, xảy ra ở nhiều nơi trên cả nước nhưng không được kịp thời phát hiện, xử lý.

Báo cáo thẩm tra dẫn chứng vụ án đưa hối lộ, nhận hối lộ xảy ra tại Cục Đăng kiểm (Bộ GTVT) và các trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới tại các tỉnh, TP trên cả nước. Vụ án tổ chức, môi giới cho người khác ở lại Việt Nam trái phép; làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; đưa hối lộ, nhận hối lộ xảy ra tại Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia (Bộ Tư pháp), Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đồng Nai, tỉnh Long An và một số tỉnh, TP khác. Các vụ án về lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản xảy ra tại các trung tâm đào tạo lái xe ở các địa phương Lạng Sơn, Hải Phòng, TP.HCM...

Đặc biệt, Ủy ban Tư pháp nêu tội phạm tham nhũng, chức vụ phát hiện tăng hơn 71% về số vụ, tăng hơn 116% về số đối tượng, đặc biệt số vụ nhận hối lộ được phát hiện tăng hơn 312%.

Theo cơ quan thẩm tra, điều này cho thấy nhờ quyết tâm cao của Đảng và Nhà nước, công cuộc chống tham nhũng ngày càng hiệu quả.

Tuy nhiên, công tác quản lý nhà nước, phòng ngừa tham nhũng trên nhiều lĩnh vực vẫn còn hạn chế, nhất là về đấu thầu, mua sắm công, quản lý tài sản công; quản lý đất đai, đấu giá quyền sử dụng đất, bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, khai thác tài nguyên, khoáng sản; tài chính, ngân hàng, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp; mua sắm trang thiết bị, cơ sở vật chất trong ngành y tế, giáo dục...

Trong các vụ việc trên, nhiều trường hợp liên quan đến người đứng đầu trong cơ quan quản lý nhà nước đã lợi dụng những lỗ hổng của pháp luật để thực hiện hành vi vi phạm, trục lợi.

Cũng theo Ủy ban Tư pháp, chất lượng hoạt động điều tra còn một số hạn chế trong thu thập, đánh giá chứng cứ. Số trường hợp cơ quan điều tra phải đình chỉ điều tra do không có sự việc phạm tội hoặc hành vi không cấu thành tội phạm và hết thời hạn điều tra mà không chứng minh được bị can thực hiện tội phạm có giảm so với cùng kỳ nhưng vẫn còn 13 trường hợp.

“Vẫn để xảy ra một số trường hợp dùng nhục hình trong giai đoạn điều tra” - cơ quan thẩm tra nêu rõ.•

Truy nã gần 4.400 bị can nguy hiểm, đặc biệt nguy hiểm

Ủy ban Tư pháp dẫn báo cáo của Chính phủ cho thấy số vụ tội phạm ma túy phát hiện tăng hơn 18%; số ma túy tổng hợp dạng tinh thể bị thu giữ tăng đặc biệt cao (gần 1.500%).

“Điều này cho thấy diễn biến hết sức phức tạp của tội phạm ma túy. Hành vi mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy từ các nước vào Việt Nam hoặc quá cảnh qua Việt Nam để vận chuyển đi nước khác với nhiều thủ đoạn tinh vi, trong đó vận chuyển qua đường hàng không gia tăng” - Ủy ban Tư pháp nêu.

Đáng chú ý, số đối tượng bị truy nã dù giảm hơn 11% nhưng vẫn còn số lượng rất lớn (gần 8.700 đối tượng), trong đó số đối tượng nguy hiểm, đặc biệt nguy hiểm là gần 4.400 đối tượng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm