Một số nhà báo đã chia sẻ như vậy tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Giải báo chí toàn quốc “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí” sáng nay (1-3).
Chống tham nhũng rất cô đơn
Dẫn chứng, ông Phùng Công Sưởng, Phó Tổng biên tập Báo Tiền Phong, chia sẻ như trong vụ Vinashine: "Chúng tôi có 13 bài, đăng đến bài thứ tư thì bị dừng" và phải làm việc nhiều lần với các cơ quan chức năng. "Chúng tôi đôi khi khủng hoảng niềm tin” - ông Sưởng nói.
Bởi thế, ông Sưởng cho rằng lần này Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp tổ chức giải thưởng báo chí phòng, chống tham nhũng, lãng phí sẽ tăng niềm tin cho báo chí.
Ông Phùng Công Sưởng: "Chống tham nhũng rất cô đơn".
Ông Sưởng kể về việc trước đây được nhận giải B báo chí quốc gia khi viết về một lãnh đạo TP Hà Nội không chịu trả nhà cho TP. Nhưng mãi năm 2015 vụ việc mới được giải quyết.
“Chống tham nhũng nhiều khi rất cô đơn. Lãnh đạo không hiểu, đồng nghiệp cũng không hiểu. Sức mạnh duy nhất của PV, nhà báo chống tham nhũng là sự thật” - ông Sưởng nhận định.
Để đối mặt với rủi ro khi viết bài phòng, chống tham nhũng, ông Sưởng cho rằng PV, nhà báo ngoài bản lĩnh, nghiệp vụ thì cần có sự hậu thuẫn từ phía ban biên tập để dấn thân một cách trong sáng.
“Khi PV đã hăng hái rồi thì mong các ban biên tập cũng vào cuộc. Cần phải tránh tình trạng nhiều tờ báo hiện nay không thích mảng điều tra. PV viết nhiều thì có khi lãnh đạo bị chuyển công tác” - ông Sưởng nêu thực trạng.
Đồng tình, Tổng Biên tập tạp chí Mặt Trận Vũ Văn Tiến nói: "Lãnh đạo cơ quan chủ quản của các tờ báo cũng phải hưởng ứng và quyết tâm vào cuộc, sát cánh với các PV".
Ông Vũ Văn Tiến: "Chống tham nhũng sợ nhất là chùn tay"
“Trong đấu tranh chống tham nhũng sợ nhất chùn tay”, ông Tiến nói và nhấn mạnh: “Phanh phui một vụ tiêu cực, một vụ tham nhũng dễ nhưng bài học rút ra từ vụ phanh phui là khó”.
Mặt trận sẽ đồng hành tới cùng
Ông Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, thừa nhận: “Tinh thần chiến đấu của báo chí với những nhà báo khẳng khái và nhiệt huyết là rất cao nhưng vẫn còn khó khăn. Bởi khi nhà báo, PV dùng ngòi bút và tác phẩm báo chí để đấu tranh với tham nhũng, lãng phí thì người gây ra hậu quả tham nhũng tìm mọi cách chống lại”.
Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi: "Phải có chỗ dựa cho những PV chống tham nhũng bị cản trở".
Ông Lợi cho rằng phải có giải pháp để PV chống tham những gặp nhiều cản trở có chỗ dựa vững chắc để luôn giữ được tinh thần chiến đấu. Ngoài các cơ quan báo chí, hội nhà báo các cấp, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, theo ông Lợi nhân dân là một chỗ dựa vững chắc.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cho biết: Trước khi chuẩn bị hội nghị của MTTQ Việt Nam tại Cần Thơ tháng 1-2017, MTTQ Việt Nam đã hai lần báo cáo Tổng Bí thư về vấn đề chống diễn biến, suy thoái.
“Tổng Bí thư nhấn mạnh: Nếu chỉ có Đảng và Nhà nước chống tham nhũng thì không thành công. Phải có mặt trận và báo chí cùng vào cuộc” - ông Nguyễn Thiện Nhân nói.
Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên sẽ cùng báo chí theo dõi, phát hiện và đấu tranh với những hành vi tham nhũng. “Mặt trận sẽ đứng ra kiến nghị với các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết những vấn đề, những vụ việc mà báo chí nêu để có kết quả cuối cùng” - ông Nguyễn Thiện Nhân khẳng định.
Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Thiện Nhân: "Giải báo chí quốc gia phòng, chống tham nhũng, lãng phí có ý nghĩa và quyết tâm chính trị rất lớn".
Ngay cả với những đơn thư tố cáo mà người dân không dám ký tên vì sợ bị trù dập, ông Nhân cũng đề ra cách xử lý. “Nếu thấy những đơn của người dân mà có ý nghĩa, có yếu tố chân thực thì mặt trận cùng với báo chí sẽ thu thập thêm thông tin rồi chuyển qua Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Việc này mặt trận và Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thống nhất” - ông Nguyễn Thiện Nhân khẳng định.
Nói về giải báo chí quốc gia phòng, chống tham nhũng, lãng phí, ông Nguyễn Thiện Nhân khẳng định: “Giải này được phát động khi có mặt Tổng Bí thư. Vì vậy, giải này có ý nghĩa và quyết tâm chính trị rất lớn”.