Văn phòng Chính phủ vừa thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị với lãnh đạo các tỉnh, thành ĐBSCL hồi đầu tháng 8.
Theo đó, về kiến nghị của địa phương cần sớm xây dựng cao tốc Cần Thơ – Cà Mau, Thủ tướng giao Bộ GTVT nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch tuyến này về trước năm 2030. Trong đó, đoạn từ Cần Thơ – Bạc Liêu sẽ thực hiện bằng vốn ngân sách nhà nước trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.
Tuyến cao tốc duy nhất ở khu vực ĐBSCL mới chỉ có cao tốc TP.HCM - Trung Lương nhưng cũng rất ngắn và xuống cấp. Ảnh: HOÀNG GIANG
Riêng đoạn Bạc Liêu – Cà Mau, Thủ tướng giao cho UBND tỉnh Cà Mau nghiên cứu phương án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), trong giai đoạn 2021-2025, báo cáo Thủ tướng trong tháng 9-2020.
Giữa tháng 6, Tổng công ty Đầu tư phát triển và quản lý hạ tầng giao thông Cửu Long làm việc với UBND Cần Thơ bàn phương án hướng tuyến cao tốc Cần Thơ – Cà Mau. Theo đơn vị tư vấn, cao tốc này có chiều dài hơn 130 km, được thiết kế bốn làn xe, với vận tốc thiết kế 100 km/h.
Điểm đầu tuyến kết nối với cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ (thuộc tỉnh Vĩnh Long). Cao tốc đi qua cầu Cần Thơ 2, rồi chạy song song bên trái quốc lộ 1, đến thị xã Ngã Bảy (Hậu Giang), tuyến rẽ phải, đi dọc theo đường Quản Lộ - Phụng Hiệp, qua các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, trước khi kết nối vào tuyến tránh TP Cà Mau.
Trong đó, hướng tuyến tại Cần Thơ từ chân cầu Cần Thơ 2 (dự kiến cách cầu Cần Thơ hiện hữu khoảng 4,5 km về phái hạ lưu), rồi đi song song bên trái đường sắt tốc độ cao TP.HCM - Cần Thơ (theo quy hoạch), đến ga Cái Răng rẽ trái về Hậu Giang.
Toàn tuyến xây dựng 112 cầu, tám cầu vượt, tám nút giao. Công trình có tổng mức đầu tư hơn 47.000 tỉ đồng (giai đoạn một hơn 24.000 tỉ). Trong đó, đoạn qua TP Cần Thơ dài 4,6 km, mức đầu tư trên 7.000 tỉ đồng.
Đồng ý nâng cấp sân bay Cà Mau Về kiến nghị của địa phương nâng cấp sân bay Cà Mau, Thủ tướng giao Bộ GTVT chủ trì đầu tư nâng cấp sân bay này đạt tiêu chuẩn sân bay dân dụng cấp 4C và sân bay quân sự cấp II trong giai đoạn 2021 -2025. |